Nhập khẩu và tinh chế

Chuyện nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho đến nay vẫn là vấn đề còn lấn cấn, gây tranh cãi giữa các nhà quản lý và doanh nghiệp (DN). Có nhà chuyên môn phân tích, để giải quyết những thời điểm khó khăn về nguyên liệu trong nước, các DN chế biến thủy hải sản được Nhà nước cho nhập nguyên liệu dưới dạng tạm nhập tái xuất với mức thuế 0% nếu chứng minh được mức độ hao hụt khi chế biến.

Một khi chấp thuận đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy hải sản xuống còn 0% - 0,5%, không loại trừ khả năng DN sẽ nhập khẩu nguồn nguyên liệu nào có lợi nhất để kinh doanh, cho dù nguồn nguyên liệu đó có thể được khai thác hay nuôi trồng trong nước chưa được tiêu thụ. Và nếu điều này xảy ra, không những gây khó khăn cho người dân nuôi trồng và khai thác hải sản mà còn tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển thủy sản trong nước, nhất là tiến độ xây dựng các vùng nguyên liệu theo quy hoạch.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc đầu tư phát triển xây dựng vùng nguyên liệu trong nước đương nhiên phải làm, nhưng không phải cái gì cũng có thể nuôi trồng (xét về lợi thế cạnh tranh) và càng không thể làm cùng một lúc mọi việc, khó đạt hiệu quả khi điều kiện chưa cho phép như vấn đề liên kết, quy mô nhỏ lẻ… Việc nhập nguyên liệu nào sẽ được Chính phủ cân nhắc để không ảnh hưởng đến quyền lợi và thu nhập người nuôi.

Thông thường, giá nguyên liệu thủy sản thế giới khó rẻ hơn nguồn hàng trong nước, nên các DN chỉ nhập khẩu những nguyên liệu rong nước không có như cá tuyết, cá hồi, tôm nước lạnh... hoặc có nhưng không đủ cung cấp để chế biến hàng xuất khẩu. Tôm sú là thế mạnh của Việt Nam, nhưng vẫn phải nhập thêm khi nguồn hàng trong nước không đáp ứng đủ vào từng thời điểm và sản lượng thiếu hụt. Tương tự, nghêu, sò, ốc.. dù đã được nuôi trong nước nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các nhà máy. Vì vậy, các DN phải nhập mực từ các nước Nam Mỹ, Bắc Phi.

Trong bối cảnh các DN chế biến phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, đối thủ cạnh tranh với ngành xuất khẩu thủy sản, đặc biệt mặt hàng bạch tuộc, mực, cá thu, cá ngừ... và giá nhập khẩu thường không rẻ hơn trong nước làm chi phí tăng cao trong khi giá xuất khẩu không thể tăng tương ứng bởi thị trường ngày càng khắc nghiệt. Việc nhập khẩu sẽ gặp không ít khó khăn như việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài là điều không nên, dễ bị động.

Vì vậy, bên cạnh giải pháp nhập khẩu nguyên liệu, cần tính đến việc chuyển hướng chiến lược trong sản xuất kinh doanh và đồng thời thực hiện một số giải pháp cơ bản như chuyển hướng đầu tư, làm những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, hàng tinh chế, để giảm lượng nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận; xây dựng hệ thống kho lạnh để trữ nguyên liệu thu mua trong những lúc dồi dào, chuyển dịch cơ cấu từ sử dụng nguyên liệu đánh bắt (biển) sang nguyên liệu nuôi trồng…

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục