Nhập lậu hàng về Việt Nam thông qua sàn thương mại điện tử

Tổng số vụ việc liên quan hàng lậu, hàng giả… trong năm 2023 gia tăng 19% so với năm trước, quản lý thị trường đã xử lý, thu nộp ngân sách hơn 500 tỷ đồng, nhưng số vụ việc vi phạm thông qua thương mại điện tử mới chỉ xử phạt, thu nộp được trên 15 tỷ đồng…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
img-4929-7059.jpeg
Hàng lậu, hàng giả tập kết tại các "tổng kho" trước khi tiêu thụ qua thương mại điện tử. Ảnh theo Tổng cục QLTT

Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức chiều 4-1 tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng thông tin, thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản được kiểm soát; nhưng lại nổi lên tình trạng các đối tượng thông qua các sàn giao dịch điện tử để nhập lậu hàng về Việt Nam.

Đáng chú ý, hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi đưa qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó tiếp tục lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh.

Cả năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.928 vụ, phát hiện và xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); trong đó có 174 vụ chuyển sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).

Mặc dù hàng lậu, hàng giả tiêu thụ qua thương mại điện tử đang nở rộ, nhưng cơ quan quản lý thị trường thừa nhận, trong hàng chục ngàn vụ việc vi phạm năm 2023 thì trên lĩnh vực thương mại điện tử, chỉ kiểm tra, phát hiện, xử lý được 928 vụ, với tổng số tiền xử phạt hơn 15 tỷ đồng.

Tổng cục Quản lý thị trường thông tin, một trong nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… trên môi trường thương mại điện tử.

Tin cùng chuyên mục