Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vượt biên giới

Mở đầu bài viết “Các công ty Nhật Bản chi số tiền kỷ lục mua các tài sản nước ngoài” tờ Christian Science Monitor nhận định, làn sóng này đang phát triển rất mạnh bất chấp những dự báo cho rằng nền kinh tế xứ sở Mặt trời mọc có nguy cơ tăng trưởng âm trong quý cuối năm 2012.

Thực ra, câu chuyện đầu tư bằng mua bán và sáp nhập (M&A) này không mới. Vào cuối những năm 1980, khi tập đoàn Mitsubishi mua Trung tâm Rockefeller và Sony thâu tóm Columbia Pictures ở Mỹ, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đăng tải những câu chuyện về sự thống trị kinh tế sắp xảy ra toàn cầu của Nhật Bản. Sự thâu tóm, sáp nhập vẫn diễn ra vào những năm sau đó nhưng không còn ồ ạt như những năm 1980, 1990. Thế nhưng chỉ trong năm 2012, con số tổng giá trị các thương vụ M&A của Nhật Bản với các công ty nước ngoài đã vượt qua 87 tỷ USD khiến dư luận bất ngờ. Các công ty này đang theo đuổi gần như mọi loại hình kinh doanh, từ các hãng buôn cho tới các công ty dược phẩm, công nghệ. Những thương vụ tiêu biểu là SoftBank chi 20 tỷ USD mua 70% Sprint Nextel, tập đoàn di động lớn thứ ba tại Mỹ, Marubeni mua tập đoàn kinh doanh Gavilon Group (Mỹ) với 3,6 tỷ USD tiền mặt, Dentsu chi 4,54 tỷ USD mua lại Công ty quảng cáo Aegis (Anh) hồi tháng 7.

Tuy đang gặp khó khăn với khoản nợ công khổng lồ (200% GDP) nhưng trị giá khối tài sản ở nước ngoài của các tập đoàn, công ty lớn của Nhật đã đạt con số 3.000 tỷ USD. Những cuộc thâu tóm và sáp nhập diễn ra trong 30 năm qua đã góp phần đem lại khoản lợi nhuận từ 160 đến 180 tỷ USD hàng năm. Ông Masayuki Kichikawa, Giám đốc kinh tế chi nhánh Ngân hàng Merill Lynch tại Tokyo, cho rằng: “Sự đầu tư khôn ngoan này đã giúp nước Nhật tránh nguy cơ suy giảm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trên thế giới”.

Theo ông Frederic Neumann, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC chi nhánh Hồng Công (Trung Quốc), các ngân hàng Nhật Bản đã qua giai đoạn khó khăn và có sức khỏe tốt hơn nhiều so với châu Âu. Hơn nữa, chính sách lãi suất 0% của ngân hàng trung ương nước này, cộng với việc chính phủ sẵn sàng ngăn đồng yen tăng giá càng khiến các nhà băng mạnh tay cho vay. Bên cạnh đó, kinh tế đình đốn và sự suy giảm dân số đã đẩy các công ty Nhật Bản phải hướng tới phát triển ra thị trường nước ngoài, cũng như thảm họa động đất - sóng thần ngày 11-3-2011 đã gây ra những vấn đề đối với nguồn cung nguyên liệu và chuỗi cung ứng. Chính điều này đã thúc đẩy các công ty Nhật mạnh tay chi cho M&A ngoại. Trong đó, Mỹ chính là lựa chọn hàng đầu của họ. Dù tỷ lệ thất nghiệp tại đây vẫn cao và rủi ro vách đá tài chính vẫn lơ lửng, thì Mỹ vẫn còn tốt hơn nhiều so với châu Âu hay Trung Quốc.

Hơn 2 năm qua, Nhật Bản đã phải nhường “ngôi vị” nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc. Điều đó khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng kinh tế “hụt hơi”, ngoại giao “mất tiếng nói” và làm lu mờ hình ảnh một nước Nhật vốn nhận được sự nể trọng và khâm phục về sức mạnh công nghiệp, phương pháp sản xuất và công nghệ phát minh. Chính vì thế, làn sóng đầu tư bằng M&A đang được hy vọng sẽ trở thành động lực chính cho nền kinh tế Nhật, giúp nước này lấy lại vị trí dẫn đầu ở khu vực châu Á. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục