Thiếu hụt lao động đang trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Nhật Bản. Với tình hình thiếu hụt lao động ngày càng tăng, sự phục hồi kinh tế của Nhật có thể bị cản trở.
Theo Bộ Lao động nước này, tỷ lệ việc làm dành cho người tìm việc trong tất cả các ngành nghề là 1,1 trong tháng 6-2014 - mức cao nhất trong vòng 22 năm qua. Ở một số lĩnh vực - như xây dựng, bán lẻ, nhà hàng - đang đối mặt với nạn thiếu hụt lao động nghiêm trọng nhất. Do thiếu hụt nhân công trong lĩnh vực xây dựng, số dự án tái thiết ở khu vực động đất và những công trình công cộng không được triển khai ngày càng tăng. Tuy nhiên, đằng sau sự thiếu hụt lao động là một vấn đề thuộc về cơ cấu nghiêm trọng hơn. Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật, từ 15 - 64 tuổi, đang sụt giảm nhanh chóng. Kể từ khi lên đến đỉnh năm 1995 là 87,2 triệu người, dân số trong độ tuổi lao động giờ đây chính thức bước vào giai đoạn suy giảm. Năm 2013, chỉ có 1,2 triệu người mới gia nhập vào lực lượng lao động trong khi có đến 2,2 triệu người về hưu. Kết quả là, lực lượng lao động bị thiếu 1,1 triệu người. Theo Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội, trong vòng 20 năm tới, dân số lao động sẽ tiếp tục giảm mỗi năm khoảng 1 triệu người.
Mặc dù rất khó để thay đổi chiều hướng sụt giảm dân số lao động, nhưng vấn đề thiếu hụt lao động có thể được giải quyết bằng cách tuyển dụng lao động hiệu quả hơn. Chia sẻ với tạp chí East Asia Forum, giáo sư Hiroaki Miyamoto của Trường Đại học Tokyo cho rằng trước hết chính phủ cần giảm tuyển dụng vào những nghề nghiệp không phù hợp thực tế với hoàn cảnh kinh tế hiện nay. Thực tế cho thấy không phải công ty nào ở Nhật cũng bị thiếu hụt lao động. Trong khi tỷ lệ tuyển dụng việc làm trong ngành xây dựng là 3,41 trong tháng 6-2014, thì tỷ lệ này đối với công việc văn phòng và bàn giấy là 0,28. Điều này cho thấy có một sự chênh lệch nhu cầu tuyển dụng đang diễn ra ở các ngành nghề. Trong khi tỷ lệ việc làm dành cho người tìm việc làm toàn thời gian là 0,68 thì người tìm việc bán thời gian là 1,05. Nhật Bản cần tăng cường chuyển dịch lao động (bằng các chương trình đào tạo) để nhiều lao động có thể chuyển sang những lĩnh vực tăng trưởng sẽ cũng giúp cải thiện năng suất của nền kinh tế Nhật Bản.
Thứ hai, Nhật Bản nên tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động bằng cách tạo ra môi trường làm việc dễ tiếp cận hơn. Sự tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động trong năm 2013 là 65%, thấp hơn tỷ lệ của nam giới là 20 điểm phần trăm. Khoảng cách chênh lệch tỷ lệ tham gia nam nữ này lớn hơn ở Mỹ và các nước châu Âu. Hơn nữa, tỷ lệ tham gia của nữ lao động có gia đình trong độ tuổi 30 và 40 cũng thấp hơn tại những nước phát triển khác. Tỷ lệ thấp này là do thiếu hụt các cơ sở chăm sóc trẻ em, cũng như chính sách làm việc không linh hoạt và thực tế.
Thứ ba, khuyến khích sự tham gia ngày càng lớn của lực lượng lao động lớn tuổi là rất quan trọng. So với quá khứ, người lớn tuổi ở Nhật hiện nay khỏe mạnh về thể chất hơn và do đó có thể làm việc thêm nhiều năm. Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì tỷ lệ người già trong dân số Nhật Bản đang tăng. Thúc đẩy sự tham gia lao động của người già không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động mà còn giúp giảm được gánh nặng an sinh xã hội đang tăng cao.
Như vậy, chính phủ Nhật cần đẩy mạnh cải cách thị trường lao động và sử dụng hiệu quả nguồn lao động của mình để làm lực đẩy cho quá trình phục hồi kinh tế.
HẠNH CHI