- Lê Văn Duyệt làm gì có râu (!)
Báo Người Lao Động ngày 20-2-2008 cho biết: Đạo diễn Doãn Hoàng Giang đang dàn dựng vở kịch hoành tráng “Người mang 9 án tử hình” của tác giả Phạm Văn Quý, nói về nhân vật lịch sử nổi tiếng Lê Văn Duyệt. Bản tin đăng kèm ảnh nghệ sĩ Tấn Thành đóng vai Tả quân Lê Văn Duyệt rất uy nghi với bộ râu đầy nam tính (!). Nhưng đây lại là một chi tiết sai lầm so với lịch sử.
Lê Văn Duyệt (1764-1832) gốc người Quảng Ngãi, nhưng đến đời thân phụ ông là Lê Văn Toại, cả gia đình chuyển vào định cư ở Định Tường (nay là Tiền Giang). Tuy là một nhà quân sự, chính trị lỗi lạc, một tướng lĩnh chủ chốt của nhà Nguyễn, nổi tiếng gan dạ và mưu lược trên chiến trường, nhưng bẩm sinh Lê Văn Duyệt người thấp nhỏ, có khuyết tật cơ thể về mặt sinh dục (ái nam ái nữ), không thể làm chồng, làm cha như những người đàn ông bình thường khác. Năm 16 tuổi (1780), lúc mới theo giúp Nguyễn Ánh, do khuyết tật bẩm sinh Lê Văn Duyệt được tuyển dụng làm thái giám, lo việc nội dinh. Về sau, phát hiện ông là người có hiểu biết về quân sự, lại nhanh nhẹn, dũng cảm, Nguyễn Ánh mới cho Lê Văn Duyệt tham gia đánh trận, từ một chức quan nhỏ thăng dần lên đại tướng (Chưởng Tả quân Bình Tây đại tướng quân quận công, gọi tắt là Tả quân). Trên danh nghĩa Lê Văn Duyệt có vợ con, nhưng chỉ là vợ hờ, con nuôi. Vợ ông tên Đỗ Thị Phận (có mộ song táng tại Lăng Ông Bà Chiểu), con nối dõi tên Lê Văn Yên (thực tế là cháu gọi Lê Văn Duyệt là bác ruột).
Vì không phải là đàn ông “chính hiệu” nên Lê Văn Duyệt không thể có bộ râu rất đẹp như nghệ sĩ Tấn Thành đã hóa trang. Việc làm ấy chẳng khác nào “vẽ rắn thêm chân”, làm hỏng tính cách rất đặc biệt của Tả quân Lê Văn Duyệt!
Phan Trọng Hiền
- Chưa đúng về lịch sử
Bài “Má Bảy Lánh – 100 tuổi đời, 70 tuổi Đảng” của đồng tác giả V.T.-M.A. (báo SGGP 25-2-2008), đoạn mở đầu viết: “17 tuổi, cô Bảy Lánh đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm giao liên chuyển thư, tài liệu cho các đồng chí trong Xứ ủy Nam kỳ. Tình yêu quê hương khiến cô Bảy Lánh trở nên gan lì, gai góc trước hòn tên mũi đạn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam”. Bài viết cho biết, má Bảy Lánh sinh năm 1909.
Má bắt đầu làm giao liên năm 17 tuổi, tức năm 1926 thì làm gì đã có Xứ ủy Nam kỳ? Hãy nhớ, năm 1925 đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” ở hải ngoại, là tổ chức cách mạng tiền thân của VN. Ở Nam bộ, các Công hội đỏ ở Nhà máy Đóng tàu Ba Son (Sài Gòn), đồn điền cao su Phú Riềng (Thủ Dầu Một) là những tổ chức cơ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Mãi tới tháng 7-1929, các đồng chí hoạt động ở Nam bộ mới lập ra An Nam cộng sản Đảng để rồi hợp nhất với 2 tổ chức Đảng của miền Bắc và miền Trung thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - 3-2-1930 tại Hồng Công. Vậy, chỉ nên viết “má làm giao liên cho các đồng chí hoạt động cách mạng”.
Má được kết nạp Đảng năm 1937. Thời kỳ đó Đảng ta đã đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương (tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng Cộng sản VN họp tại Hồng Công ngày 14-10-1930). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 Đảng Cộng sản Đông Dương tại xã Vĩnh Quang huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 tới 19-2-1951 đổi tên thêm lần nữa thành Đảng Lao động Việt Nam. Và đến Đại hội 4 họp tại Hà Nội từ 14 tới 20-12-1976 mới trở lại tên gọi tiền thân là Đảng Cộng sản VN. Vì thế nên viết là “má được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương - tên gọi của Đảng ta thời đó”.
Báo chí là kênh thông tin học tập lịch sử Đảng rất bổ ích, nhất là cho lớp trẻ. Vì thế rất cần sự chính xác.
Sĩ Thiện