Nhậu quá, hóa tâm thần

Theo Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nhiều người sau một thời gian làm đệ tử “lưu linh” đã biến đổi nhân cách, sa sút tâm thần. Không ít trường hợp loạn thần vì lạm dụng rượu bia. Say trong men rượu, nhiều người sống thiếu trách nhiệm, khiến gia đình đổ vỡ.
Nhậu quá, hóa tâm thần

>> Dùng giáo dục “đào gốc” rượu bia

>> Bài 3: Ma men dẫn tới tai nạn giao thông

>> Bài 2: Rượu vào, dao kiếm ra

>> Bài 1: Những cung đường ăn nhậu

Theo Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nhiều người sau một thời gian làm đệ tử “lưu linh” đã biến đổi nhân cách, sa sút tâm thần. Không ít trường hợp loạn thần vì lạm dụng rượu bia. Say trong men rượu, nhiều người sống thiếu trách nhiệm, khiến gia đình đổ vỡ.

Nhậu quá, hóa tâm thần

Anh T.B.H. (45 tuổi), uống rượu từ nhiều năm nay. Bà T.T.M. (mẹ anh H.) kể, gần như ngày nào H. cũng uống khoảng 1 lít rượu trắng. Sáng nào chưa có rượu là chân tay H. run lẩy bẩy. Có thời gian ngắn, anh H. ngưng uống rượu nhưng con người trở nên bất thường.

Về đêm, H. không ngủ mà múa tay múa chân, lục lạo phá phách đồ đạc và bỏ ăn thường xuyên. Hoảng sợ, gia đình đưa H. đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM điều trị. Tuy nhiên, khi về nhà, H. lại tiếp tục uống rượu và bệnh cũ tái phát.

Uống bia rượu nhiều có thể bị loạn thần. Trong ảnh, người tâm thần tại Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh tâm thần Thủ Đức (Sở LĐTB-XH TPHCM)

Mọi người trong nhà đưa anh đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Người anh H. giật run và lên cơn gồng cứng tay chân nên không truyền dịch được. Cuối cùng, gia đình lại phải đưa H. trở lại Bệnh viện Tâm thần TPHCM.

Cũng bị loạn thần bởi uống rượu là anh L.L.M. (50 tuổi, TPHCM). Chị L.L.H. (em gái anh M.) cho hay, lúc bình thường, anh M. còn làm lụng. Mỗi khi rượu vô thì không muốn làm gì. Bất thường hơn, anh cúng lạy, hôn hít cây cối ngoài vườn, nói đó là vong linh và thắp cả bó nhang, nói chuyện linh tinh trên trời dưới bể, rất kỳ cục.

Chị H. rầu rĩ: “Khi có rượu, anh M. rất hung dữ, chứi bới lung tung, có lần đập cả lư hương trên bàn thờ. Anh M. ngủ rất ít, nhiều khi đi lang thang ngoài đường cả đêm không về. Trong nhà không ai mắc bệnh tâm thần hay động kinh gì, chỉ anh M. là có nhiều biểu hiện bất thường. Mọi người động viên, kêu đi khám bệnh nhưng anh không chịu, cứ cho rằng mình bình thường”.

Suốt nhiều năm qua, ngày nào anh Đ.B.T. (54 tuổi, TPHCM) cũng uống rượu. Hơn 10 năm trước, anh đã phải nhập viện tâm thần. Tuy nhiên, khi về nhà, anh không uống thuốc mà tiếp tục… uống rượu.

Anh T. rất ít ngủ, ít ăn, hay nói lảm nhảm, vô cớ chửi bới người thân, hàng xóm. Cũng như anh M., khi rượu vô, anh T. không làm gì cả. Anh ra vào Bệnh viện Tâm thần TPHCM nhiều lần, song khi về nhà, tối vẫn không ngủ, cứ đập cây vào tường ầm ầm, la hét, quậy phá.

Theo Bệnh viện Tâm thần TPHCM, 10 tháng đầu năm 2016, trong tổng số 172.733 lượt bệnh nhân đến khám có 1.821 lượt người có liên quan đến lạm dụng rượu bia. Con số này tăng nhẹ so với cùng kỳ 2015. Đa số trường hợp có thời gian dài sử dụng nhiều rượu bia và không ít trường hợp bị loạn thần. Nhiều bệnh nhân ra vô bệnh viện nhiều lần, tuy nhiên, khi về nhà lại tiếp tục… uống rượu thay thuốc, khiến việc điều trị khó khăn. 

Rầu vì có chồng nghiện rượu

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trăn trở, Việt Nam là một trong những nước sử dụng rượu bia nhiều nhất thế giới và chưa bao giờ tác hại của việc lạm dụng rượu bia lại trở thành vấn đề “nóng” như hiện nay.

Thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, có tới 60% số vụ bạo hành gia đình có nguyên nhân trực tiếp từ rượu bia. Trên thực tế, rất nhiều người (chủ yếu là nam giới) có hành vi bạo hành vợ con sau khi say rượu bia. Bình thường, người đó rất hiền lành, khi rượu vào hình như biến thành con người khác.

Về phương diện kinh tế, nếu trong gia đình có người uống rượu bia quá nhiều sẽ khiến “ngân sách” gia đình bị thâm hụt, ảnh hưởng đến chi tiêu. Người lạm dụng rượu bia thường có sức khỏe, tinh thần không tốt nên làm việc không hiệu quả, năng suất giảm. Người chồng, người cha nghiện rượu ít đóng góp, trái lại còn làm hao hụt kinh tế gia đình. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn, dẫn đến tan vỡ.

“Rất nhiều vụ bạo lực gia đình diễn ra với sự “giúp sức” của rượu bia. Tệ nạn “rượu uống người” chứ không phải “người uống rượu” nữa cứ xảy ra hàng ngày”, bà Trần Thị Phương Hoa nhận xét.

Theo bà Phương Hoa, bia rượu là một trong những tác nhân hàng đầu làm rạn nứt tình cảm gia đình, nguyên nhân dẫn đến ly hôn (sau ngoại tình), bởi vì không có người vợ nào vui vẻ khi thấy chồng suốt ngày nhậu nhẹt bê tha và không con cháu nào có thể trọn lòng tôn kính một người lớn say xỉn cả ngày. Một người cha uống nhiều rượu bia và có hành vi bạo lực không thể là tấm gương tốt cho con cái. Sống trong những gia đình có người thân như vậy, trẻ em khó phát triển toàn diện.

Trong cách nhìn của xã hội, những người nghiện rượu là gánh nặng. Họ mất khả năng lao động, hay gây rối trật tự công cộng, làm tổn thương các mối quan hệ trong gia đình. Tuy nhiên, bà Trần Thị Phương Hoa nhận xét, sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước tình cảnh có chồng nghiện rượu còn hạn chế. Chị em phụ nữ còn mang tư tưởng “xấu chàng hổ ai”, sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Trong khi đó, cộng đồng, xã hội coi vấn đề nghiện rượu là chuyện riêng của mỗi gia đình; sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính nhất thời, mờ nhạt. Do đó, những bi kịch gia đình có nguyên nhân từ rượu bia vẫn nhức nhối.

Theo Bộ Y tế, một cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo Việt Nam: “Nếu chỉ tăng 1% chi tiêu bình quân cho rượu bia sẽ làm tăng 0,85% số ca tử vong do tai nạn giao thông, tăng 0,61% số ca bị thương và 0,37% số ca bị xơ gan”.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục