
Khẩn trương thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả hàng hóa, đồng thời tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề về kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà lãnh đạo UBND TPHCM đề ra sáng 26-4, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TPHCM qua 4 tháng đầu năm 2010.

Ngành cơ khí - một trong các ngành có tốc độ tăng trưởng cao tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Điểm sáng công nghiệp
Một thông tin rất đáng mừng là GDP năm 2009 của TP tăng cao hơn so với ước tính trước đây. Theo Cục trưởng Cục Thống kê TP Dư Quang Nam, sau khi đánh giá bổ sung thì GDP năm 2009 của TP đạt 134.778 tỷ đồng, tăng 666 tỷ đồng so với ước tính.
Nhờ đó, GDP năm qua của TP tăng 8,5%, cao hơn 0,5% so ước tính. Trong đó, một số ngành có mức tăng thêm khá cao như xây dựng (đạt 15%, tăng thêm 3%), bưu chính viễn thông và vận tải (đạt 8%, tăng thêm 1,1%)…
Riêng 4 tháng đầu năm nay, các ngành dịch vụ và bán lẻ tăng cao đột biến. So cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 116.268 tỷ đồng, tăng 34,2% so cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì mức tăng là 22,3%). Một số hàng hóa xuất khẩu chủ yếu cũng tăng cao so cùng kỳ, như gạo tăng 19%, sản phẩm may mặc tăng 13%, giày dép tăng 10,1%, sữa tăng 10,4%... Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng của TP tăng 18,3% so cùng kỳ (không tính mặt hàng vàng)…
Điểm nổi bật trong 4 tháng qua là giá trị sản xuất công nghiệp của TP tăng 174.719 tỷ đồng, tăng 14,5% so cùng kỳ. Trong đó, cả ba khu vực kinh tế đều tăng: khu vực nhà nước tăng 12,7%; ngoài nhà nước tăng 15,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,5%. Đặc biệt, một số ngành quan trọng có mức tăng trưởng rất cao như cơ khí chế tạo tăng 31,1%; điện tử-viễn thông tăng 37,9%; vật liệu xây dựng tăng 15%; hóa chất tăng 16,6%...
Theo Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân, đây là tín hiệu rất đáng mừng, chứng tỏ công nghiệp TP đã có những chuyển dịch và thu được kết quả rõ rệt, các ngành công nghiệp chủ lực và công nghệ cao đã có những bước tiến triển tốt.
Bên cạnh những kết quả tích cực, một số lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ và hạn chế cần khắc phục. Tính đến tháng 4, vốn huy động trên địa bàn đạt khoảng 620,9 ngàn tỷ đồng, tăng 25,8% so cùng kỳ; tổng dư nợ đạt khoảng 565,3 ngàn tỷ đồng, tăng 32,8% so cùng kỳ. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất (cả huy động lẫn cho vay) vẫn còn cao nên nguồn vốn vẫn chưa “thỏa mãn” được “cơn khát” của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh TPHCM Hồ Hữu Hạnh cho rằng, rất khó để kéo giảm lãi suất cho vay xuống dưới 12% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Hạnh, để làm được điều này cần có thêm các giải pháp và thời gian vì trước đây các ngân hàng đã huy động nguồn vốn với chi phí cao nên cần có thời gian để “tiêu hóa” hết số vốn này.
Cùng với những nan giải của thị trường tín dụng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng gây khá nhiều âu lo. So với tháng 3, 9/11 nhóm hàng đều tăng giá, cao nhất là các mặt hàng sắt thép (7%), nước sinh hoạt (5%), điện (5%)… Còn so với tháng 12-2009, CPI của tháng 4 tăng tới 4,02%. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh đều tăng so với năm ngoái như điện, nước, xăng dầu, giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải…
Phát triển hạ tầng khống chế lạm phát
Số vụ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2009 đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Phượng, tình hình này vẫn diễn biến phức tạp. Trong tháng 4-2010 trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 80 vụ tai nạn giao thông, làm chết 58 người, bị thương 40 người.
So với cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn giao thông đã giảm 17 vụ, giảm 19 người chết và giảm 11 người bị thương, nhưng so với tháng 3-2010 đã tăng 29 vụ, số người chết tăng 15 và số người bị thương tăng 23 người.

Sản xuất sữa cung cấp ra thị trường với giá cả ổn định tại Công ty Vinamilk. Ảnh: CAO THĂNG
Chính vì vậy, lãnh đạo TP cho rằng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP trong tháng 5-2010 cũng như những tháng tiếp theo. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, yêu cầu này càng bức thiết sau khi cầu Cần Thơ và cầu Hàm Luông (Bến Tre) được đưa vào sử dụng, lượng hàng hóa và phương tiện giao thông luân chuyển giữa các tỉnh ĐBSCL và TPHCM sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Để giải quyết bài toán vốn cho phát triển hạ tầng, UBNDTP đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tìm kiếm “lời giải”. Ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, sẽ có nhiều giải pháp được đưa ra trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm phát triển của nhiều thành phố khác trên cả nước và nhiều đô thị khác trong khu vực.
Theo ông Hòa, TPHCM có thể linh hoạt áp dụng một hoặc nhiều giải pháp cùng lúc. Ví dụ, để giải bài toán “phí trùng phí” ở cửa ngõ xa lộ Hà Nội khi TP xây dựng thêm cầu Sài Gòn 2 nhằm giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, có thể sử dụng phương án “dùng vốn ngân sách hoặc đổi đất lấy hạ tầng” thay vì hình thức đầu tư BOT như kế hoạch hiện nay. Kiểu đầu tư BOT sẽ được áp dụng ở những nơi chưa “dày đặc” trạm thu phí như ở xa lộ Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính để góp phần giảm bớt ách tắc về nguồn vốn sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, lãnh đạo UBNDTP cũng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM đạt 11% trong năm nay. Để đạt được những mục tiêu trên, trước mắt trong tháng 5-2010, UBNDTP sẽ ban hành kế hoạch bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu cả năm 2010 và tổ chức thực hiện ngay.
Đồng thời, để tạo đà và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc và nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngoài khẩn trương giải quyết cơ bản những vấn đề về kết cấu hạ tầng, UBNDTP cũng yêu cầu các ban ngành phải triển khai thực hiện chương trình đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 3 ngay trong tháng 5-2010.
Hoàng Liêm – Nguyễn Khoa
Ngành cấp nước lại hứa Tình hình nắng nóng, khô hạn ảnh hưởng đến việc cấp điện, nước sạch và nguy cơ dịch bệnh cũng là nỗi quan tâm của lãnh đạo TP. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân hỏi lãnh đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn bao giờ mới giải quyết được tình trạng thiếu nước sạch ở khu vực quận 7, huyện Nhà Bè? Lãnh đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho rằng: Nguyên nhân các khu vực này thiếu nước do Nhà máy nước BOO Thủ Đức chưa hoàn tất tuyến ống để đưa nước về quận 7, huyện Nhà Bè. Đơn vị này hứa tháng 7-2010 sẽ hoàn tất. Chủ tịch Lê Hoàng Quân thẳng thắn: “Hôm trước hứa tháng 5 sẽ hoàn tất nay lại hứa tiếp tháng 7. Phải đẩy nhanh tiến độ để sớm có nước sạch cho dân sử dụng”. Đối với đề án 30 của Chính Phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí cho biết, TP đang tiếp tục triển khai giai đoạn 3 nên các sở ngành, địa phương phải có những kiến nghị mạnh dạn hơn nữa, phải ghi nhận nhiều hơn về các vướng mắc của TP làm cơ sở để TPHCM kiến nghị Trung ương sửa chữa. V.Anh |