Quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu

Nhiều cơ hội - lắm thách thức

Nhiều cơ hội - lắm thách thức

Nhân dịp kỷ niệm sự kiện 15 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam (VN) và Liên minh châu Âu (EU) (tháng 10-1990) và 10 năm ký Hiệp định khung về hợp tác (tháng 7-1995) - hai cột mốc quan trọng trong việc phát triển quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại giữa hai bên, ngày 11-5, Trường Đại học KHXH-NV – ĐHQG TPHCM cùng với phái đoàn Ủy ban châu Âu tại VN đã tổ chức buổi hội thảo về quan hệ VN và EU. Tại đây, hầu hết các vấn đề được đưa ra thảo luận xoay quanh cơ hội và thách thức của cả hai bên.

Quan hệ song phương chưa tương xứng với tiềm năng

Nhiều cơ hội - lắm thách thức ảnh 1

Đại sứ Markus Cornaro, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại VN (bên phải) trao đổi về những cơ hội và thách thức trong quan hệ VN-EU.

Quan hệ VN – EU đã có những bước phát triển ngày càng toàn diện, từ thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế đến văn hóa, chính trị, khoa học và giáo dục. Mặc dù vậy, những kết quả trên vẫn không thể xóa đi một thực tế là sau 15 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ VN và EU hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và mong muốn của cả hai bên.

Trên thực tế hiện nay, giữa EU và VN vẫn tồn tại một nghịch lý lớn. Đó là trong khi VN luôn coi EU là một thị trường chiến lược để hội nhập kinh tế quốc tế, thì EU chưa hẳn xem VN là thị trường rộng lớn để đầu tư.

Sự bất tương xứng này xuất phát từ cả hai phía. PGS-Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó trưởng Khoa Kinh tế của Đại học Quốc gia đã có những nhận xét rất thực tế về mối quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai bên.

Thứ nhất, VN luôn ở vị trí xuất siêu (hàng dệt may, nông thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ) trong khi EU vẫn chưa có biện pháp hoặc chính sách thích hợp để giảm nhập siêu của VN, cải thiện cán cân thương mại. Các nước EU có thế mạnh trong các ngành chế tạo máy, song cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy VN sẽ trở thành thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị quan trọng của EU trong những năm tới.

Thứ hai, trong thời điểm hiện nay, khi đồng euro tăng giá quá cao so với USD, các nhà đầu tư EU đã và đang chuyển dự án đầu tư ra khỏi khu vực EU, thì chưa chắc EU chọn Việt Nam là điểm đến của dòng chuyển đầu tư này. Các đại biểu VN lo ngại không phải vô lý.

Sau khi mở rộng từ 15 lên 25 thành viên, EU phải tập trung nguồn tài chính lớn (khoảng 70 tỷ USD đến năm 2007) cho việc cải cách thể chế chính trị, pháp lý và cơ cấu lại nền kinh tế của các nước thành viên mới. Vì vậy, EU sẽ có phần hạn chế trong các vấn đề quan hệ kinh tế quốc tế với các vùng hoặc các nước không trọng điểm. Nguồn vốn ODA của EU cũng bị chia sẻ và di chuyển nhiều trong nội bộ EU vừa mới được mở rộng thêm 10 thành viên mới.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng sự dè dặt của một số nhà đầu tư châu Âu là có lý vì những quan ngại về về môi trường đầu tư ở VN, tính ổn định về cơ chế cũng như thủ tục hành chính và chi phí đầu tư cao so với mặt bằng khu vực. Theo ông Milton Lawson – Phó phòng Thương mại châu Âu, VN cần nhanh chóng thay đổi môi trường luật đầu tư trong những năm tới.

Cụ thể là: sửa đổi luật thương mại, luật dân sự cũng như những sắc lệnh về hợp đồng kinh tế cho phù hợp với thực tiễn của luật pháp quốc tế; Luật doanh nghiệp cần phải thống nhất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; tiếp tục cải cách hơn nữa thủ tục hành chính.

Các nhà đầu tư lo ngại hiện nay họ không được phép đầu tư vào lĩnh vực nhập khẩu và phân phối, cũng như không được phép đầu tư vào các công ty nhà nước nhiều hơn mức khống chế 30%. Mặc dù môi trường đầu tư tại VN đã và đang được cải thiện nhưng các nước láng giềng trong khu vực lại gia tăng đáng kể sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tạo nên những thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cần thêm sự nỗ lực từ hai bên

Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian tới, để quan hệ giữa VN và EU phát triển lên một tầm cao mới thì cả hai bên đều phải nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, đồng thời hỗ trợ nhau trong việc mở rộng quan hệ trên từng lĩnh vực.

PGS-Tiến sĩ Lê Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV cũng thừa nhận rằng quan hệ giữa hai bên sẽ khó có triển vọng tốt đẹp hơn nếu VN không giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý ổn định và thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng sức mua và sức cạnh tranh của thị trường.

Về phần mình, ông Andrew Jacob (bộ phận hợp tác của Phái đoàn Ủy ban châu Âu) cho biết Ủy ban châu Âu chuẩn bị lập bảng Chiến lược quốc gia hỗ trợ VN giai đoạn 2007-2013 để EU phê chuẩn vào đầu năm 2006. Trong bảng chiến lược này, tuy lĩnh vực nhận được sự hỗ trợ từ EU ít hơn so với trước đây nhưng những lĩnh vực được lựa chọn sẽ phù hợp hơn với các chiến lược phát triển của chính phủ Việt Nam.

Cụ thể là EU sẽ tài trợ tập trung vào các lĩnh vực: y tế, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thương mại, hỗ trợ về ngân sách cho xóa đói giảm nghèo, tăng cường khả năng quản lý của chính phủ…

Ông Milton Lawson, Phó phòng Thương mại châu Âu, bày tỏ hy vọng với việc EU mở rộng quy mô thành viên cũng như VN chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ thu hút nhiều doanh nhân, nhà đầu tư châu Âu hơn. Ông cũng khẳng định EU sẽ làm tất cả những gì có thể hỗ trợ cho VN, đưa VN trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp.

Vấn đề quan trọng là môi trường kinh doanh của VN có thật sự được cải thiện hay không, bởi nếu không thì các nhà đầu tư sẽ rút vốn khỏi VN để đầu tư vào những nơi khác thuận lợi hơn. Đây sẽ là vấn đề mà cả EU lẫn VN đều phải tìm ra hướng giải quyết.

Kết quả quan hệ VN - EU sau 15 năm thiết lập quan hệ

Về chính trị, hai bên tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao, mà đỉnh cao là cuộc họp thượng đỉnh VN – EU diễn ra vào tháng 10-2004. Tại cuộc họp này, EU ký thỏa thuận song phương với VN về việc gia nhập WTO của VN. Hai bên dành cho nhau quy chế tối huệ quốc. EU áp dụng đối với Việt Nam cơ chế ưu đãi thương mại dành cho các nước đang phát triển; bãi bỏ chế độ hạn ngạch dệt may cho các doanh nghiệp VN khi xuất khẩu sang EU.

EU đánh giá VN là đối tác quan trọng trong thực thi chiến lược về quan hệ đối tác mới với Đông Nam Á. Ngoài ra, VN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa châu Á và châu Âu trong khuôn khổ của tiến trình hợp tác Á – Âu.

Trong lĩnh vực thương mại, EU trở thành đối tác lớn nhất của VN với giá trị kim ngạch hai chiều đạt 7,5 tỷ euro (tương đương 9,5 tỷ USD) vào năm 2004. EU cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của VN với gần 450 dự án, tổng số vốn hơn 7 tỷ USD – chiếm 18% tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại VN. Đồng thời EU là nhà viện trợ phát triển không hoàn lại (ODA) lớn nhất cho VN.

XUÂN HẠNH – ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục