Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập không còn khả năng chi trả tiền mặt bằng

Ngày 21-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM giám sát trực tuyến việc thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 154, Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM về chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Các đơn vị được giám sát là: Sở VH-TT TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM, Sở Du lịch TPHCM, Sở Công thương TPHCM, Cục Thuế TPHCM, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM.

Buổi giám sát trực tuyến của Đoàn ĐBQH TPHCM với sự tham gia của nhiều sở ngành. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cần sửa lại trường học được trưng dụng làm cơ sở y tế

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện các sở, ngành đã báo cáo về kết quả triển khai hỗ trợ cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Các đơn vị đã nỗ lực thực hiện hỗ trợ cho người dân, người lao động.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, các cơ sở giáo dục công lập gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhà giáo, người lao động hợp đồng (các chức danh giáo viên, bảo vệ, phục vụ, bảo mẫu, nhân viên nấu ăn). Trong khi đó, các cơ sở giáo dục ngoài công lập phần lớn thuê mặt bằng để hoạt động nên đang đứng trước nguy cơ không có khả năng chi trả các khoản tiền thuê mặt bằng, điện, nước tại cơ sở.

Ông Lê Hoài Nam cũng nêu tình trạng, còn nhiều quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục ngoài công lập do không tham gia BHXH nên chưa đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM có xây dựng phương án của ngành GD-ĐT để hòa chung chiến lược mở cửa chung của TPHCM, trong đó có nêu ra các tiêu chí an toàn, các yêu cầu để giáo viên, học sinh quay lại trường học. Riêng cơ sở vật chất, hiện nay có 1.253 cơ sở giáo dục đang trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế. Ông Lê Hoài Nam kiến nghị, TPHCM cần dự phòng kinh phí để sau khi không sử dụng làm cơ sở y tế thì sửa chữa các cơ sở để mở cửa trường học trở lại.

Đến nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã triển khai hỗ trợ cho 881 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; hỗ trợ cho 389 (trong tổng số hơn 4.500 người) người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ cho hơn 7.500 (trong tổng số hơn 10.700) người lao động tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, công lập ở cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập không còn khả năng chi trả tiền mặt bằng ảnh 2 Đại diện các sở, ngành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

2.500 doanh nghiệp, cơ sở văn hóa thể thao cần hỗ trợ

Đối với ngành VH-TT, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy kiến nghị các cấp có thẩm quyền có giải pháp miễn giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – thể thao chịu tác động của dịch Covid-19 (khoảng 2.500 cơ sở cần được hỗ trợ); bổ sung chế độ hỗ trợ thêm đối với viên chức hoạt động nghệ thuật làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải tạm dừng hoạt động trong thời gian trước ngày 1-5; hỗ trợ người có chức danh nghề nghiệp có thu nhập thấp và có hoàn cảnh khó khăn (phục vụ, hậu đài, di sản viên hạng IV…).

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM  Lê Huỳnh Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đã giải ngân 17/26 tỷ đồng cho thương nhân chợ truyền thống

Đối với ngành công thương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có 3 chợ đầu mối, 220/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Đến nay, tổng số tiền được phê duyệt để hỗ trợ cho thương nhân tại chợ truyền thống là gần 26 tỷ đồng và đã giải ngân được gần 17 tỷ đồng. Sở Công thương nhận thấy việc triển khai chính sách hỗ trợ cho các thương nhân kinh doanh tại chợ có một số khó khăn.

Việc chi hỗ trợ đa số thực hiện bằng hình thức chi trực tiếp; tuy nhiên, các địa phương đang giãn cách xã hội, giảm mật độ lưu thông trên đường, các thương nhân cư trú tại các địa phương khác nhau nên đi lại hạn chế, ảnh hưởng đến việc nhận hỗ trợ. Một số địa phương (quận 1, 5, 11, Bình Thạnh) đã chuyển giao kinh phí hỗ trợ về đơn vị quản lý chợ nhưng chưa liên hệ thương nhân để thực hiện chi trả.

Để đảm bảo triển khai chính sách hỗ trợ, Sở Công thương đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy nhanh rà soát danh sách các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ và giải ngân 100% cho các thương nhân tại chợ truyền thống gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Phó Cục Thuế TPHCM Thái Minh Giao cho biết, đến nay TPHCM đã phê duyệt cho gần 40.000 hộ kinh doanh, chiếm gần 25% tổng số hộ kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ do cơ quan thuế rà soát.

Theo Cục Thuế TPHCM, số lượng hộ kinh doanh nộp đơn đề nghị hỗ trợ trực tiếp tại các UBND xã, phường, thị trấn còn hạn chế do người dân thực hiện giãn cách, không đến UBND xã, phường, thị trấn nộp đơn được; nhiều hộ kinh doanh đã đóng cửa về nơi cư trú…

Xem xét cộng điểm cho thí sinh trong phòng thi có F0

Tại buổi giám sát, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị các ngành nêu rõ chiến lược trong thời gian tới ra sao, lộ trình của ngành thế nào để có thể “chung sống với Covid-19”?

Đánh giá việc nâng cao sức khỏe, thể trạng của người dân trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị Sở VH-TT TPHCM mở rộng thêm các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời một cách an toàn. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến chăm sóc đời sống sức khỏe tinh thần của người dân trong và sau Covid-19.

Đối với ngành GD-ĐT, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị ngành xem xét đề xuất về việc cộng điểm (0,5-2 điểm cho bài thi) đối với các thí sinh bị ảnh hưởng tâm lý trong một số phòng thi tốt nghiệp THPT có F0. Sở GD-ĐT cũng cần đề nghị các sở, ngành hỗ trợ sớm phôi phục các cơ sở đào tạo vừa qua được trưng dụng làm cơ sở thu dung, cơ sở y tế để chuẩn bị cơ sở vật chất trường học cho giai đoạn bình thường mới.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy đề nghị các sở, ngành liên quan cần đề xuất những chính sách thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM giải quyết cho phù hợp với tình hình địa phương. Bên cạnh đó, cần nắm chắc, rà soát, không sót lọt và không chi sai đối tượng cần hỗ trợ.

Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập không còn khả năng chi trả tiền mặt bằng ảnh 4 ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị đẩy nhanh chi trả cho những người đủ điều kiện. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đẩy nhanh chi trả cho người đủ điều kiện

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và đánh giá cao các sở, ngành liên quan đã chủ động triển khai công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid -19.

Nhận xét một số lĩnh vực, số đối tượng bị ảnh hưởng thì nhiều nhưng số đủ điều kiện để hưởng chính sách thì chưa nhiều, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các sở, ngành liên quan được giám sát cần đẩy nhanh tốc độ xem xét, chi trả hỗ trợ cho người dân, người lao động đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, cần áp dụng tối đa công nghệ thông tin để giải quyết hỗ trợ thông suốt đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là ngành BHXH, thuế, ngân hàng… Đối với các thủ tục hồ sơ còn khó khăn vướng mắc, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các sở, ngành liên quan cần đeo bám các cơ quan Trung ương có quan tâm và giải quyết sớm các vướng mắc.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết khẳng định, Đoàn ĐBQH TPHCM ghi nhận, tiếp thu tất cả các kiến nghị của các sở, ngành; các kiến nghị này xác đáng, trong đó có nhiều nội dung các ngành đã đề xuất đến nay chưa giải quyết. Sau buổi giám sát, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ báo cáo đề xuất riêng đối với các kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Quốc hội. Đồng thời, gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan, báo cáo gửi UBND TPHCM để có sự quan tâm, giải quyết nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Tin cùng chuyên mục