Nhiều địa phương cả nước: Nỗ lực khắc phục sạt lở và sụt lún

Đến trưa 25-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cùng các lực lượng xung kích địa phương đã bắc xong cầu tạm bằng tre, gỗ qua đoạn đường tuần tra biên giới Sa Trầm - Palin bị xói lở và cuốn trôi, gây chia cắt giao thông.
Tuyến đường từ xã Tân Tiến về xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) bị sạt lở xuống sông. Ảnh: TẤN THÁI
Tuyến đường từ xã Tân Tiến về xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) bị sạt lở xuống sông. Ảnh: TẤN THÁI

Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, cho biết, khuya 24-10, mưa lớn cộng nước trên thượng nguồn về mạnh khiến một đoạn đường tuần tra biên giới Sa Trầm - Palin qua thôn Ra Poong (xã Ba Nang, huyện Đakrông) bị xói lở và cuốn trôi dài khoảng 10m, rộng 7m, sâu 5m, với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 350m3. Sự cố này khiến 40 hộ dân thôn Ra Poong và 30 hộ dân thôn Ngược (xã Tà Long) bị chia cắt hoàn toàn.

Cùng ngày, Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Quảng Trị huy động nhân lực, vật lực khắc phục sạt lở taluy dương với khối lượng 750m3 đất đá tràn ra mặt đường tại đoạn cầu tràn Đakrông đến Km0+307, cầu La Hót và một số vị trí trên tuyến quốc lộ 15D (từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay) gây ách tắc giao thông.

* Trước đó, khoảng 8 giờ sáng 25-10, anh T.H.N. chở vợ là T.T.X. (trú thôn An Xuân Đông, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đi làm bằng xe máy. Khi qua đoạn đường ngập sâu thuộc địa bàn xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, vợ chồng anh N. cùng xe máy bị nước cuốn trôi. Rất may, người dân gần đó đã cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn 2 xã Quảng An và Quảng Phước kịp thời ứng cứu, đưa người và xe máy lên bờ an toàn.

* Chiều cùng ngày, ông Hoàng Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), cho biết đã có báo cáo gửi UBND huyện đề nghị sớm có biện pháp khắc phục sạt lở núi Thiều tại thôn Thiều Xá 2. Trước mắt, UBND xã Chầu Lộc đã lập rào chắn, cắm biển cảnh báo cấm người và gia súc vào khu vực nguy hiểm.

* Cùng ngày, ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, cho biết đã lập đoàn kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn chảy qua thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir. Ước tính, có hàng ngàn mét khối đất và hơn 100 cây cà phê của người dân bị sạt trôi xuống sông. Huyện đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông hỗ trợ nguồn kinh phí từ ngân sách để xử lý tạm thời, khắc phục tình trạng sạt lở như: đóng cọc tre, rọ đá và đắp đất với khối lượng đất khoảng 18.450m3.

* Tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Công Lộc, Chủ tịch UBND phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn những ngày qua, kết hợp với khu vực có dòng chảy mạnh và cống Trung Lương đã khiến bờ sông Minh xung yếu đoạn qua địa bàn tổ dân phố Hầu Đền xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Ước tính có gần 500m3 đất, đá cùng nhiều cây cối lâu năm bị cuốn sập và trôi xuống lòng sông.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã kịp thời phối hợp với Hạt Quản lý đê La Giang kiểm tra hiện trường, huy động lực lượng chức năng lập rào chắn, giăng dây, biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí trực gác tại các khu vực xảy ra sạt lở để bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện; đồng thời báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, tình trạng sạt lở tại khu vực này vẫn đang tiếp diễn phức tạp, nhiều vết nứt, sụt lún, khoét lọng sâu hơn vào bên trong và đe dọa nguy cơ mất an toàn đến khuôn viên Di tích lịch sử văn hóa Đền Cả - Dinh Đô quan Hoàng Mười. Trước mắt, địa phương tổ chức trực gác đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực, còn về lâu dài việc khắc phục dứt điểm sạt lở, xây dựng kè kiên cố thì cần phải có nguồn kinh phí đầu tư lớn hàng tỷ đồng, ngoài khả năng ngân sách của địa phương.

* Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa, thuộc địa phận 2 xã Giao Long và An Hóa (huyện Châu Thành). Theo đó, chỉ đạo địa phương thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó nhằm ngăn chặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Khẩn trương sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm và khu vực có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở...

Đoạn bờ sông bị sạt lở có chiều dài khoảng 800m. Có 300 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, sạt lở còn làm 45m tuyến đường ĐH.03 dọc bờ sông Giao Hòa trôi xuống sông, giao thông qua khu vực này bị chia cắt, một số đoạn kè bị hư hỏng...

* Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở tuyến đường ô tô từ xã Tân Tiến về xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi). UBND huyện Đầm Dơi phải thực hiện theo hướng tạm thời gia cố bờ sông chống sạt lở và làm nền mặt đường tạm để đảm bảo thông tuyến, đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân trong thời gian chờ triển khai thực hiện dự án tuyến đường tránh tại khu vực sạt lở này.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, đợt triều cường mới đã tái xuất ở khu vực ven biển Nam bộ. Các chuyên gia hải văn nhận định, ngày 26-10, mực nước ven biển Đông Nam bộ còn tăng, mức đo cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,05m; sau đó có thể lên 4,15m vào ngày 27-10. Do tác động của triều cường nên đợt này, một số nơi ở Đông Nam bộ sẽ tái ngập úng (vào sáng sớm và buổi chiều); đồng thời làm tăng mức xâm nhập mặn trên các sông của khu vực Đông Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục