Dù Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm gia cầm (A/H5N1) nhưng sự lơ là của người dân và cơ quan chức năng đang khiến nguy cơ dịch bệnh này quay trở lại. Trong khi đó các dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết được dự báo tái bùng phát.
Lơ là với dịch cúm gia cầm
Mới 3 giờ chiều nhưng nhiều đoạn trên đường Chánh Hưng (quận 8, từ cầu Nguyễn Tri Phương đến đường Nguyễn Văn Linh) đã xôn xao họp chợ vỉa hè. Không ít gà, vịt được bày bán ra sát lòng đường. Thi thoảng có người từ trong hẻm chạy ra với một chuỗi dài cả chục con gà, vịt buộc túm vào nhau ra tận đường mời chào. “Gà vườn Long An đây, thịt ngon hết biết, bán tính con chứ không tính ký. Có người làm thịt tại chỗ, sạch sẽ liền”, một thanh niên vừa đưa 2 con gà mái tơ lên khỏi đầu vừa liến thoắng.
Theo nhiều người bán rau củ dọc đường Chánh Hưng, bẵng đi khoảng 2 năm nay gia cầm được bán vô tư trở lại. “Ngày nào cũng có vài người bán gà dạo. Ai thích mua về làm thịt cũng có, làm thịt tại chỗ cũng được”, một chị bán rau cho biết...
Chạy dọc đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), nhất là khu vực dưới chân cầu Ông Lớn, rất nhiều tụ điểm bán buôn gà vịt sống các loại và giết mổ tại chỗ. Thậm chí cả các loại chim trời, bồ câu cũng được giăng lên dây la liệt. Chủ một tụ điểm bán gà, vịt sống nói đã bán hơn 1 năm nay rồi mà chẳng thấy ai kiểm tra, xua đuổi gì cả. Từ đường Nguyễn Văn Linh, quẹo qua đường Lê Văn Lương (quận 7) là cái chợ chồm hổm xôm tụ vào buổi chiều. Ở chợ này có điểm buôn bán, giết mổ gia cầm của một thanh niên tên Bình. Ngôi nhà lụp xụp, tối tăm do đang chờ giải tỏa, Bình ngồi vắt vẻo đếm từng con gà, vịt nhốt trong cái lồng sắt to tướng. Vài ba phút lại có một khách ghé qua và chọn mua, được người nhà của Bình mổ thịt ngay tại chỗ.
Mặc dù đang có nguy cơ dịch cúm A/H5N1 bùng phát trở lại nhưng hiện nay trên địa bàn TPHCM vẫn còn tràn lan tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống. Qua ghi nhận, hàng loạt điểm buôn bán, giết mổ gia cầm cũng đang tồn tại ở quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn... Theo Chi cục Thú y TPHCM, nếu như khảo sát năm 2010 có khoảng 30 điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống thì nay đã tăng gấp nhiều lần. Nhưng xem ra công tác kiểm tra kiểm soát gần như bỏ ngỏ.
Dịch chồng dịch
* Theo Bộ Y tế, tính đến nay cả nước đã có trên 47.600 ca mắc tay chân miệng tại 61 địa phương, trong đó có 102 ca tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo dịch tay chân miệng vẫn đang ở mức độ nguy hiểm. |
Dù có tạm lắng xuống trong 2 tuần qua nhưng bệnh dịch tay chân miệng tại TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều đoàn kiểm tra của Sở Y tế TPHCM đã liên tục xuống các quận huyện để nhắc nhở công tác phòng chống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phận người dân vẫn thiếu hiểu biết về bệnh dịch nguy hiểm này.
Theo BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, số ca mắc tay chân miệng ở TP giảm từ tháng 7 đến nay. Nếu như đỉnh điểm vào đầu tháng 6 là 500 ca mắc/tuần thì nay khoảng 300 ca. Hiện TPHCM ghi nhận 8.343 ca mắc tay chân miệng với 24 ca tử vong, cao nhất cả nước. Tuy nhiên, BS Bỉnh lo lắng vì dự báo đợt dịch mới sẽ bùng phát vào tháng 11 tới.
Sở Y tế TPHCM cho biết hiện mỗi tuần ghi nhận hơn 400 ca mắc dịch bệnh sốt xuất huyết và từ đầu năm đến nay thành phố đã có hơn 8.000 trường hợp mắc dịch bệnh này, trong đó 3 ca tử vong. Viện Pasteur TPHCM cảnh báo mùa mưa đang vào cao trào và các địa phương phía Nam không tránh khỏi đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát. Tính đến đầu tháng 9-2011, cả nước đã có hơn 31.000 người mắc sốt xuất huyết và 27 ca tử vong, chỉ riêng trong tháng 8-2011, cả nước có thêm 8.200 trường hợp sốt xuất huyết. Nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ dịch chồng dịch là không tránh khỏi nếu các biện pháp phòng chống chưa phát huy hiệu quả.
Về khả năng biến đổi virus cúm A/H5N1 gây ra bùng phát dịch cúm gia cầm, kháng lại vaccine phòng cúm hiện nay, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết các tỉnh phía Bắc nước ta đang lưu hành chủ yếu tuýp virus cúm A/H5N1 ở các đàn gia cầm và sự biến đổi nhỏ chưa thể tạo ra một chủng mới. Theo BS Phan Công Hùng, Phó khoa Y tế công cộng Viện Pasteur TPHCM, công tác giám sát dịch cúm A/H5N1 trên người vẫn được thực hiện thường xuyên. “Tất cả những trường hợp bị viêm phổi nặng ở phía Nam đều được gửi mẫu bệnh phẩm về viện để xét nghiệm virus cúm A/H5N1”, BS Hùng nói.
Tường Lâm