(SGGPO).- Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực gây nhiều ô nhiễm đầu tư vào Việt Nam – thông tin được đưa ra tại hội thảo về FDI và chính sách pháp luật về môi trường, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức sáng 30-3 tại Hà Nội.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất (2014 – 2016), chỉ có 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình; còn lại là sử dụng công nghệ thấp. Trong khi đó, các lĩnh vực môi trường như cấp nước và xử lý nước thải lại không được các nhà đầu tư ngoại quan tâm.
Một nghiên cứu của Đại học Kinh tế đối với 150 doanh nghiệp FDI cho thấy 45% trong số này chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải; khá nhiều doanh nghiệp không tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không cam kết hoặc không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường. Có tới 69% doanh nghiệp nói rằng họ sẽ không thực hiện quy trình giảm phát thải, nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc.
Kênh Ba Bò ô nhiễm nghiêm trọng vì nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Ảnh: Quang Khoa
Đáng lưu ý, mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp từ các nước phát triển và các nước đang phát triển, cụ thể là doanh nghiệp từ các nước phát triển có xu hướng tuân thủ tốt hơn các quy định về môi trường của Việt Nam, mặc dù lẽ ra do quy định về môi trường ở nước họ khắt khe hơn nên có khả năng cao là doanh nghiệp “chuyển” công nghệ lạc hậu và ô nhiễm hơn sang Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định từ cán bộ địa phương, doanh nghiệp FDI nói chung vẫn tuân thủ quy định về môi trường tốt hơn các doanh nghiệp trong nước.
Trên cơ sở nghiên cứu, các khuyến nghị chính sách được đưa ra bao gồm việc thiết kế, phát triển các chương trình giám sát môi trường theo mục tiêu; thực hiện các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp quản lý môi trường một cách có trách nhiệm; cung cấp thông tin về môi trường và pháp luật về môi trường cho các nhà đầu tư tiềm năng…
ANH PHƯƠNG