Nhiều khó khăn khi chuyển đổi phương tiện thu gom rác

Phần lớn các phương tiện thu gom rác thải trên địa bàn TPHCM hiện nay vẫn là các xe ba bánh tự chế sơ sài, được kéo bằng xe máy, không qua kiểm định...

Khi lưu thông trên đường, loại xe này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông; nhiều xe chở quá khổ, rác bịch, bọc treo quanh xe và không có nắp đậy nên nước rỉ, rác vụn rơi vãi xuống đường, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Mặc dù thành phố đã có đề án, kế hoạch chuyển đổi phương tiện thu gom rác, song đến nay công tác này vẫn còn khá chậm do còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Nhiều khó khăn khi chuyển đổi phương tiện thu gom rác ảnh 1 Phần lớn phương tiện thu gom rác hiện nay vẫn là xe thô sơ, cũ kỹ. Ảnh: CAO THĂNG
Hợp tác xã than khó

TPHCM đã và đang đẩy mạnh kêu gọi thực hiện việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt, hướng đến mục tiêu thành phố xanh sạch đẹp. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hợp tác xã (HTX) thu gom rác, công tác chuyển đổi phương tiện thu gom còn rất nhiều khó khăn. 

Trao đổi về lĩnh vực này, bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc HTX thu gom rác Liên Minh (quận Thủ Đức), cho biết năm 2011, nghiệp đoàn thu gom rác của bà đã chuyển đổi thành HTX Liên Minh, từ con số 50 thành viên đến nay đã lên 90 thành viên. Tuy nhiên, hoạt động của HTX vô cùng khó khăn, văn phòng phải đi thuê mướn. Mặc dù đã động viên được các đường dây rác dân lập tham gia vào HTX, nhưng đến nay các thành viên vẫn không nhận được sự hỗ trợ nào từ thành phố. Tất cả mọi hoạt động chi tiêu đều do HTX tự quyết. 

Đặc biệt theo Quyết định 88 của UBND TPHCM, HTX chỉ được giữ lại 10% phí. Trong số tiền 10% này, HTX phải trích 3% - 4% cho công tác quản lý ở phường, quận; chỉ còn 6% để chi cho mọi hoạt động của HTX (bao gồm lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chế độ khác… cho công nhân). Về vấn đề chuyển đổi phương tiện thu gom, với mức khoảng 300 triệu đồng/xe chuyển đổi đúng tiêu chuẩn quy định, thì đây quả là một bài toán vô cùng khó đối với HTX. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi theo chủ trương của thành phố, HTX cũng đã cố gắng hoàn thành hồ sơ để vay vốn ưu đãi ở Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM. Song, quỹ trả lời rằng chưa có đủ kinh phí để rót xuống nên các phương tiện chưa được chuyển đổi. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc HTX Nhơn Phú (quận 9), cũng cho biết năm 2004 cơ sở của bà đã chuyển thành HTX với khoảng 11 đường dây thu gom rác. Quá trình đi vay vốn để chuyển đổi phương tiện thu gom cũng nan giải, do đa phần các đường dây thu gom rác khả năng tài chính hạn hẹp, không có hộ khẩu thường trú nên làm hồ sơ vay vốn rất khó. Theo chủ trương, để thực hiện việc chuyển đổi này, các HTX thu gom rác sẽ được vay vốn trả góp 70% giá trị chiếc xe, 30% còn lại lấy từ quỹ của HTX. Tuy nhiên, đa phần các HTX không đủ nguồn quỹ để ứng ra mua xe.

Một khó khăn nữa HTX đang gặp phải là thiếu bãi đậu cho các phương tiện vận chuyển rác. HTX kiến nghị thành phố cố gắng tìm bến bãi cho HTX có chỗ đậu xe, tập kết như bến xe. Ông Lý Văn Hòa, Giám đốc HTX Bảo Tín (Hóc Môn), phản ánh: “HTX Bảo Tín được thành lập vào năm 2009, quản lý theo địa bàn xã (7/12 xã) với 105 công nhân chính thức, 200 lao động phụ. Hàng ngày phải thu gom rác của hơn 40.000 hộ, hơn 600 công ty - xí nghiệp. HTX có 160 xe, trong đó có 4 xe ép rác, 40 xe tải, hơn 100 xe thô sơ cần được chuyển đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ để vay vốn chuyển đổi thì Quỹ Bảo vệ môi trường nói rằng không có tiền cho vay. Tình trạng này đã và đang gây ra những khó khăn nhất định cho HTX. Để ứng phó với tình hình này, HTX chủ động chỉ cho xe thô sơ thu gom trong hẻm nhỏ, rồi sau đó liên kết với các đơn vị có xe lớn chở rác ra các bô rác tập trung”. 

Hướng tới mô hình hợp tác xã đa ngành nghề

Theo phản ánh của nhiều HTX thu gom rác, họ đã rất cố gắng vận động các đường dây rác dân lập tham gia vào HTX để hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi vào HTX rồi, các thành viên cũng chưa nhận được một sự hỗ trợ nào từ thành phố, dẫn đến hiệu quả thu gom rác chưa đạt được như kỳ vọng. Các HTX kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa cho HTX đầu tư đổi mới trang thiết bị, phương tiện thu gom chất thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; có cơ chế cho vay trả chậm, ưu đãi lãi suất khi chuyển đổi thiết bị, phương tiện và đơn giản hóa thủ tục cho vay hơn nữa.  

Trước những khó khăn mà các HTX trình bày, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT TPHCM), cho biết Quỹ Bảo vệ môi trường đang làm việc với Sở Tài chính để xin nguồn kinh phí 90 tỷ đồng, sử dụng cho mục tiêu chuyển đổi xe thu gom rác. Các HTX cần phối hợp chặt với Quỹ Bảo vệ môi trường để vay vốn, thực hiện việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác theo kế hoạch đề ra. Ông Lê Trung Tuấn Anh cũng đề nghị các HTX cần đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng thêm các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động để có thêm nguồn thu nhập, đảm bảo đời sống cho anh em công nhân vệ sinh môi trường. Đồng thời có tích lũy quỹ phục vụ cho các hoạt động của HTX. 

Liên quan đến nội dung này, ông Bùi Trần Huy Vinh, Trưởng ban Chính sách phát triển của Liên minh HTX TPHCM, thông tin mức vay tín chấp cho thành viên (cá nhân) là 60 triệu đồng, pháp nhân (HTX) được vay tối đa 3 tỷ đồng (có thế chấp); bất kỳ thành viên hay HTX muốn vay thì liên hệ với Liên minh HTX để được hướng dẫn. Chỉ cần đối tượng vay có đăng ký tạm trú dài hạn và điều kiện năng lực trả nợ đảm bảo thì quỹ sẽ xem xét hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục