Nhiều khói nhưng miếng thịt thì bé tí

Nhiều khói nhưng miếng thịt thì bé tí

1. Bây giờ thì người Ý đã là tân vương. Họ vô địch lần thứ tư để phà hơi nóng vào gáy Brazil, đội dẫn đầu thế giới với năm lần lên ngôi ở World Cup. Trừ chức vô địch năm 1938, ba lần giành giải khôi nguyên của người Ý đều xảy ra vào năm Tuất: 1934, 1982 và 2006.

Hai lần Á quân gần đây nhất của họ cũng xảy ra trong năm con chó: 1970 và 1994. Hai lần này họ đều thất bại trước Brazil và cả hai lần World Cup đều diễn ra ở châu Mỹ. Nếu World Cup diễn ra ở châu Âu vào năm Tuất, bao giờ Ý cũng đăng quang. Tóm lại, năm Tuất ai “xuống chó” thì mặc, tuyển Ý cứ “lên voi”.

Nhiều khói nhưng miếng thịt thì bé tí ảnh 1
Các tuyển thủ Ý với cúp vàng World Cup 2006.

Năm nay tuyển Ý đã lên voi như thế nào? Thực ra kịch bản trận chung kết Ý - Pháp hết sức đơn giản. Ý mất sức trong trận bán kết 120 phút trước tuyển Đức quá nhiều (cỡ cầu thủ lực sĩ như Gattuso mà còn bị vọp bẻ) nên khi vào trận, Ý dốc toàn lực tấn công với ý đồ giải quyết trận đấu ngay trong hiệp 1.

Lẽ ra đội quân của ông Lippi đã thành công với ba quả phạt góc được kết thúc bằng ba quả đánh đầu như trái phá. Nhưng một quả trúng xà ngang, một quả trúng hậu vệ dội ra, chỉ có một quả vào lưới. Hòa 1- 1, ý đồ thôn tính đội Pháp trong 45 phút bị phá sản, từ phút 46 trở đi đến hết hai hiệp phụ, thể lực đã cạn kiệt Ý đành quay về cố thủ để chờ phân thắng bại trong loạt sút luân lưu.

Để phá hỏng âm mưu của đối phương, Pháp dồn lên nhưng trước hàng thủ vững vàng được chỉ huy bởi cầu thủ kiệt xuất Cannavaro, đội Pháp buộc phải bắt đầu một trận đấu khác từ chấm 11 mét. Và họ đã thua bởi quả sút hỏng của Trezeguet.

Dĩ nhiên không thể bảo đội Pháp sút phạt đền tồi. Những quả họ sút vào lưới đều dứt khoát và hiểm. Quả sút hỏng của Trezeguet cũng là một quả cực hiểm, không thành bàn chỉ là do kém may mắn. Thần may mắn đã tò tò đi theo đội Pháp từ đầu giải, tới trận chung kết ngài sực nhớ ra năm nay là... năm Tuất, thế là ngài quay lưng lại với ông Domenech để mỉm cười với ông Lippi chứ có gì đâu!

2. Công bằng mà nói, bất chấp những trận đấu mờ nhạt trước đó, đội Pháp là đội chơi hay hơn trong trận chung kết, là đội chơi tấn công đẹp mắt hơn mặc dù ở giải này, Ý không hoàn toàn chơi phòng thủ. Cùng với Đức, Ý là một trong hai đội gây ngạc nhiên nhất cho giới quan sát trong World Cup kỳ này. Đức chơi giàu cảm xúc và đầy cống hiến. Ý rõ ràng cũng muốn hướng tới điều đó nhưng khi gặp tình thế ngặt nghèo, họ sực nhớ gia tài của họ có cả đống bê tông, dại gì mà không đem ra đổ trước khung thành.

Thực ra, Ý quay về với lối chơi phòng thủ ở nửa sau trận chung kết cũng như cá quay về với nước, không có gì là lạ. Nếu có điều gì đó khiến người xem ngỡ ngàng là hàng loạt các đội khác cũng chơi nghiêng về phòng thủ ở giải này. Lần đầu tiên, tôi sửng sốt chứng kiến một ông trùm như Brazil chơi phòng thủ phản công, thời gian kiểm soát bóng hầu như luôn kém hơn đối phương, kể cả trước Ghana.

Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, Brazil chơi với một tiền đạo khi trong nhiều trận chỉ cắm mỗi một Ronaldo ở phía trên. Ý cũng thế, với Toni. Và Anh, với khi thì Rooney khi thì Crouch. Thậm chí những đội xưa nay xây dựng danh tiếng trên lối chơi tấn công hoa mỹ như Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan cũng “bày đặt” đua đòi “một tiền đạo”, cứ như thể tấn công bắn phá khung thành đối phương là một tội lỗi gì ghê gớm.

Tệ hơn, khi Brazil và Bồ Đào Nha rút Ronaldo và Pauleta ra để ép Ronaldinho và Cristiano Ronaldo dâng lên cho ra vẻ tiền đạo, thực ra họ đã chơi một lối chơi hết sức kỳ quái: không tiền đạo - giống hệt những kẻ đi săn mà không dám mang theo súng. Hèn gì mà giải năm nay hổng có bao lăm bàn thắng. Trong hoàn cảnh đó, cặp tiền đạo Klose - Podolski của tuyển Đức rất đáng được hoan hô.

Sự thận trọng, nói khác đi là nỗi run sợ của các huấn luyện viên còn thể hiện ở những quyết định sai lầm khi thay người: tôi tin khi HLV Pekerman rút Riquelme ra trong trận gặp Đức hay HLV Domenech rút Ribery ra trong trận gặp Ý, chính họ đã vô tình làm giảm đáng kể cơ hội giành chiến thắng của đội nhà. Tiếc thay những sai lầm như thế trong giải này không phải là ít. Một giải thất bại không chỉ của đội ngũ siêu sao, đội ngũ trọng tài, mà còn của cả các nhà cầm quân.

3. Như vậy, trong khi tuyển Ý đang ra sức thay đổi diện mạo của mình bằng lối chơi tiến lên phía trước nhiều hơn thì những đội còn lại nhanh chóng chộp lấy những gì tuyển Ý sa thải khỏi hành trang của mình để biến World Cup 2006 thành một World Cup đáng chán nhất trong lịch sử. Ngay cả đội Pháp hào hoa trong trận chung kết cũng góp phần biến trận Pháp - Bồ chán ngắt trước đó thành một liều thuốc ngủ cực mạnh cho những ai vẫn hay than không làm sao chợp mắt được.

Các nhà cầm quân vẫn hay bĩu môi vào lối phòng thủ catenaccio của Ý, chế nhạo nó là lối chơi phản bóng đá nhưng khi lâm trận, những huấn luyện viên thực dụng kia nhanh chóng phản lại chính mình để trở thành nhan nhản những người Ý với đủ thứ quốc tịch khác nhau. Mới hay sức ảnh hưởng của người Ý thiệt là kinh khủng. Bây giờ ngồi ngẫm lại, người viết bài này giật mình nhớ ra từ La Mã cổ đại đến thời kỳ Phục hưng, văn hóa Ý đã ảnh hưởng sâu sắc đến các dân tộc khác như thế nào. Sự ảnh hưởng đó để lại chứng cứ chắc nụi trong ngôn ngữ.

Bạn lật từ điển mà xem, ngôn ngữ của các quốc gia khác có biết bao nhiêu từ có gốc từ tiếng Ý: soprano (giọng nữ cao), libretto (nhạc kịch), piano (dương cầm), tempo (nhịp), captain (đại úy, thuyền trưởng), colonel (đại tá), general (tướng), cartoon (hoạt hình), studio (xưởng phim, ảnh), trio (tam tấu), ghetto (khu ổ chuột), solo (đơn ca), balcony (ban công), motto (khẩu hiệu)... Tiếc là trong kho tàng ngôn ngữ du nhập từ người Ý, có cả từ catenaccio (phòng thủ bê tông).

Không rõ có phải vì biết sớm muộn gì các đội tuyển khác cũng sẽ học đòi phòng thủ để biến World Cup thứ 18 thành một giải đấu tương phản giữa quy mô rầm rộ và chất lượng nghèo nàn hay không mà người Ý lại chế ra một câu tục ngữ “độc chiêu” quá xá: “Nhiều khói nhưng miếng thịt thì bé tí”. Nói về World Cup như vậy thì mất lòng ông chủ tịch FIFA Blatter thiệt, nhưng có lẽ những người Ý có quyền nói thế, vì xét cho cùng thì những ngày qua chính đội tuyển của ông Lippi có vẻ đang muốn gạt bỏ từ catenaccio ra khỏi bộ nhớ của mình.

CHU ĐÌNH NGẠN
 

Tin cùng chuyên mục