Nhiều khu chợ gồng mình vượt dịch

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến nhiều khu chợ trước đây chủ yếu phục vụ khách ngoại đang phải chật vật chuyển hướng kinh doanh để sinh tồn.
Khu chợ trên đường Nguyễn An Ninh, quận 1 vắng vẻ đìu hiu
Khu chợ trên đường Nguyễn An Ninh, quận 1 vắng vẻ đìu hiu

Theo giới kinh doanh, một trong những điểm hấp dẫn của TPHCM với du khách khắp thế giới đó là bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy hương vị quê nhà quen thuộc tại đây. Điều này xuất phát từ việc TPHCM có rất nhiều ngôi chợ ngoại nổi tiếng như chợ Nga, chợ Malaysia, chợ Bến Thành…

Điển hình trong số đó là khu chợ tại con phố Nguyễn An Ninh. Nằm ở cửa Tây chợ Bến Thành - nơi đây được mệnh danh là chợ Malaysia một thời sầm uất, giờ đây rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hàng loạt các nhà hàng, quán ăn, tiệm kinh doanh đóng cửa im lìm vì không có khách. Anh Duso, chủ tiệm Wy & Rine, đường Nguyễn An Ninh, quận 1, TPHCM, chia sẻ, từ giữa tháng 3 đến nay toàn bộ con đường này không có bóng du khách ngoại. Trong khi đó, tiền mặt bằng rất cao nên anh đang phải gồng mình để qua dịch rồi tính tiếp. Dù vậy, nếu tình hình này còn kéo dài thì chắc chắn anh sẽ phải trả lại nhà, không kinh doanh nữa.

Ngoài khu chợ nói trên, tại TPHCM còn có một chợ ngoại nổi tiếng khác là chợ Nga cũng rơi vào cảnh ế ẩm, khi lượng khách mua sắm giảm tới 80% so với trước đây. Theo Ban quản lý khu chợ Nga, các hộ tiểu thương ở đây kinh doanh đủ mặt hàng đặc trưng của Nga như quần áo lạnh đi tuyết, thực phẩm nhập khẩu từ Nga. Nếu như trước tháng 3-2020 các mặt hàng này chủ yếu phục vụ du khách, người đi định cư, xuất khẩu lao động hoặc du lịch ở Nga, thì nay chỉ phục vụ khách nội và số ít người Nga đang sinh sống tại Việt Nam. Chị Hoàng Thị Ái Vân, một tiểu thương kinh doanh đồ thời trang tại Trung tâm Thương mại Chợ Nga, cho biết, hiện lượng khách mua sắm tại cửa hàng của chị đã giảm đến 80% so với trước. Do đó, các loại quần áo lạnh, găng tay lạnh giờ chỉ bán cho khách nội địa có nhu cầu đi du lịch Đà Lạt hoặc đi du lịch Sa Pa. 

Tình cảnh ế ẩm cũng diễn ra tương tự với các cửa hàng thực phẩm. Nhiều tiểu thương cho biết, kể từ khi có dịch, khu chợ này chỉ có những người sống và làm việc tại TPHCM thi thoảng ghé qua mua đồ. Tuy nhiên khách hàng chỉ mua những thứ thiết yếu chứ không mua nhiều như trước đây, doanh thu vì thế sụt giảm đến 90%. Cũng theo các tiểu thương, không chỉ vắng khách mà việc nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm giờ đây cũng rất khó khăn nên có thời điểm tủ đồ trống không, nhiều khách hàng đến đây vì nhớ hương vị Nga, cũng ngậm ngùi đi về. Hàng hóa kinh doanh chỉ được lưu thông trở lại trong khoảng 1 tháng trở lại đây nhưng vẫn “cầm chừng”. 

Trước tình trạng kinh doanh ế ẩm, các tiểu thương chợ ngoại đang “sống chung” với dịch bằng cách chuyển hướng bán online hoặc chuyển nghề tạm thời, mong sớm có ngày được mở cửa trở lại.

Tin cùng chuyên mục