Nhiều mặt hàng tăng giá “hỗn” - Do luật hở, chế tài chưa nghiêm

Nhiều mặt hàng tăng giá “hỗn” - Do luật hở, chế tài chưa nghiêm

Tình trạng giá cả nhiều mặt hàng tăng vô tội vạ, bất thường để móc túi người tiêu dùng (NTD) kéo dài lâu nay nhưng ít có trường hợp bị xử lý. Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Đó là sự chậm trễ hoặc chưa nghiêm trong xử phạt và các quy định của pháp luật còn hạn chế khiến giá cả hàng hóa bát nháo đang xảy ra ngày một quy mô, trắng trợn.

“Kỹ nghệ” làm giá

“Vũ điệu loạn giá” trên hàng hóa đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là với những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần lớn.

Nhiều mặt hàng tăng giá “hỗn” - Do luật hở, chế tài chưa nghiêm ảnh 1
Air Blade, một dòng xe phân khối lớn đang được ưa chuộng. Ảnh: Đức Trí

Trong năm 2008, cơn sốt dòng xe Air Blade của Hãng Honda chưa kịp lắng xuống, thì gần đây NTD lại một phen “chưng hửng” khi nhà sản xuất xe gắn máy thương hiệu Honda tiếp tục lặp lại “chiêu truyền thống”, tung ra dòng xe Lead khá ăn khách với mức giá từ gần 31 triệu đồng đến khoảng 31,5 triệu đồng/chiếc nhưng… “số lượng có hạn”.

Chính vì vậy, khi xe vừa có mặt trên thị trường, NTD muốn mua phải chịu giá từ 34,5 triệu đồng đến 37 triệu đồng/chiếc, thậm chí trên dưới 40 triệu đồng/chiếc mới may có hàng. Với việc giá bán ra thị trường cao hơn giá nhà sản xuất đăng ký với cơ quan chức năng, lẽ ra Honda phải bị xử lý từ lâu.

Tuy nhiên, sau nhiều lần cơ quan chức năng mời đến làm việc, phía Honda hứa sẽ nhắc nhở các “HEAD” (đơn vị phân phối hàng cho Hãng Honda) và yêu cầu họ bán hàng đúng giá. Nhưng đến nay, NTD vẫn phải mua xe với giá “bất thường”, còn các “HEAD” của Hãng Honda vẫn bình an vô sự.

Có lẽ thấy chiêu bài của Honda ăn nên làm ra mà không hề hấn gì, nên mấy ngày qua các đại lý của Yamaha Motor Việt Nam cũng hùa theo “làm mưa làm gió” ở các dòng xe phân khối lớn. Đơn cử, chiếc Exciter 135cc giá công ty niêm yết chỉ 29,9 triệu đồng thì NTD phải mua với giá trên 33 triệu đồng; chiếc xe Nouvo LX-RC có giá gốc là 29,5 triệu đồng, nhưng các cửa hàng đã bán với giá 32,5 triệu đồng.

Theo giải thích của các nhân viên đại lý của Hãng Yamaha, việc tăng giá đột ngột là do từ ngày 1-4-2009, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xe mô tô có dung tích xi lanh trên 125cc có thuế suất 20%, do đó nhiều NTD đổ xô đi mua dẫn đến khan hiếm hàng (!?).

Trong khi đó, qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, hầu hết các dòng xe này đều được sản xuất tại Việt Nam nên sau khi nhập xe về cửa hàng đã “xé nhỏ” số lượng, phân phối ra nhiều cửa hàng lẻ khác, nhằm tạo khan hiếm giả tạo để nâng giá bất hợp lý.

Các sản phẩm thuốc tân dược, sữa… dù được xếp vào loại mặt hàng thiết yếu bị kiểm soát giá nhưng vẫn... công khai tăng giá. Đại diện các hãng sữa đưa ra lý do để biện minh cho việc tăng giá của mình là do khâu mua nhiên liệu bị tác động bởi tỷ giá biến động bất lợi hoặc chi phí phát sinh do quá trình sản xuất, phân phối và nhiều nguyên nhân nhạy cảm khác. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng đó là những lý do không hợp lý.
 
Trên thực tế, việc một số đơn vị tự ý nâng giá mà không cần xin phép là “nhờ” luật còn kẽ hở, giúp doanh nghiệp dễ “hóa phép” để lách.
 
Cần chi tiết hóa hành vi vi phạm

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền của Hội Luật gia TPHCM cho rằng, đối với 14 mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá, trong đó có sữa, thuốc tây… khi tăng giá phải được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá; trừ trường hợp phân cấp cho địa phương…

Tuy nhiên, trong quy định chỉ khống chế mức tăng giá tối thiểu là 5% và tối đa là 15% mới cần xin phép khi thị trường có biến động, nên doanh nghiệp đã “lách” bằng cách điều chỉnh ở mức thấp hơn 5% nhưng điều chỉnh nhiều lần.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Giải Phóng cho rằng, nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý là do hệ thống văn bản pháp luật về quản lý giá hàng hóa thiếu đồng bộ và chưa đi vào cuộc sống.

Đơn cử, Điều 29 Pháp lệnh về giá năm 2002 quy định rất rõ nghĩa vụ niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại nơi giao dịch mua bán hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhưng trên thực tế hầu như không tổ chức, cá nhân kinh doanh nào thực hiện nghĩa vụ này.

Nguyên nhân chính là do các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa còn chung chung. Điển hình, tại Nghị định 06/2008/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại không quy định chi tiết mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về giá cả, niêm yết giá hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Quy định này chỉ lặp lại y nguyên Nghị định 175/2004/NĐ-CP được Chính phủ ban hành cách đây 4 năm.

Mặt khác, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa trên địa bàn TP chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, thành phần kinh tế đa dạng, thiếu tính ổn định, rất khó quản lý, khi mà lực lượng chức năng liên quan còn mỏng, thiếu cơ chế để xử lý vi phạm. Vì thế, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ từ công tác lập pháp, hành pháp và tuyên truyền vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Ngoài ra, NTD nên biết “quay mặt” với những sản phẩm tăng giá bất thường; bỏ dần khái niệm “sính hàng độc”, vì thị trường hiện có khá nhiều mặt hàng để lựa chọn

Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục  Quản lý thị trường TPHCM Dương Công Khanh cho biết, qua nguồn tin ban đầu, hiện có một số cửa hàng kinh doanh xe gắn máy cố tình tạo khan hiếm hàng giả tạo để chèo kéo NTD phải đặt cọc trước số tiền chênh lệch tăng giá. Ngay sau khi khách hàng đồng ý mua xe, chồng tiền thì lập tức có xe giao ngay và nhân viên cửa hàng liền thu lại biên lai nhận tiền từ khách hàng.

Hiện chi cục đang cho lực lượng kiểm tra kiểm soát các điểm này và khi phát hiện sẽ lập tức xử phạt theo Nghị định 169/2004/NĐ-CP về quy định bán quá giá, mức phạt từ 3 triệu đến 30 triệu đồng và buộc trả lại số tiền bán quá giá… 

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục