Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 3 tháng của Vietcombank là 4,1%-4,25%/năm. Tại VietinBank và BIDV, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng là 4%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 - dưới 6 tháng là 4,25%/năm. Các NHTM cổ phần cũng đã cập nhật biểu lãi suất mới như lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại ACB đã giảm xuống còn 4,1%-4,25%/năm (tùy thuộc vào số tiền gửi); lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,25%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của ACB hiện là 6,3%-6,6%/năm, giảm khoảng 0,2%/năm so với trước đó đối với khách hàng ngoài khu vực TPHCM. Khách hàng gửi kỳ hạn 1 - 5 tháng của Sacombank cũng giảm giảm 0,35-0,5 điểm % còn xuống còn là 4,15%-4,25%/năm. Khách hàng gửi kỳ hạn 3 - 5 tháng tại quầy của VPBank với số tiền dưới 300 triệu đồng sẽ có lãi suất 3,95%/năm, giảm 0,5 điểm %/năm so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này là 4,2%/năm khi gửi từ 3 tỷ đồng trở lên. Ngân hàng OCB cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng xuống tối đa 4,25%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên giảm từ 7,5%-7,6%/năm xuống còn 7,3%-7,4%/năm…
Liên quan đến giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 trong vòng 2 tháng của NHNN, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11/2020, Nghị quyết 41/2020 và Quyết định 15/2020, NHNN đã và đang triển khai các giải pháp điều hành kịp thời, có hiệu quả nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Theo ông Hà, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của NHNN là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.