Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Nhiều người mất 50-70 triệu đồng bởi những chiêu “siêu lừa”

Hơn bao giờ hết, việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi Hàn Quốc đang còn rất nhiều chiêu lừa đảo mà người lao động (NLĐ) - dù đã được cảnh tỉnh rất nhiều vẫn mắc bẫy. Các thủ đoạn lừa đảo đang ngày càng trở lên tinh vi, khó phát hiện với những hành vi “siêu lừa”.

Mạo danh cơ quan quản lý ký hợp đồng với NLĐ 

Ngày 12-11-2007, anh Hoàng Minh Dũng (SN 1976, quê ở Nam Đàn, Nghệ An) nhận được thông báo “anh đã được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đồng ý tuyển dụng, đề nghị tham gia khóa học đào tạo giáo dục định hướng để đi làm việc tại Hàn Quốc” của Trung tâm Lao động ngoài nước (TTLĐNN). Địa điểm học là Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TƯ (số 1, Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội). Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong giấy thông báo này, TTLĐNN có cơ quan chủ quản là… UBND TP Hà Nội, đó là chưa kể một giấy thông báo chỉ có mấy dòng nhưng be bét lỗi chính tả.

Trong khi đó, TTLĐNN (thuộc Bộ LĐTB-XH, đơn vị duy nhất ở Việt Nam làm đầu mối trong việc tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc) khẳng định đây chỉ là giấy tờ giả. Điều đáng nói là anh Dũng hoàn toàn tin đây là giấy tờ thật, vì trước đó anh cũng đã tham dự kỳ thi chứng chỉ tiếng Hàn để được đi làm việc tại Hàn Quốc, và địa điểm Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TƯ cũng là nơi mà Bộ LĐTB-XH tập trung lao động để đào tạo giáo dục định hướng. Ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc TTLĐNN cho biết, “với giấy tờ mạo nhận trung tâm, lại có cả dấu giả, chữ ký của tôi, địa điểm học cũng là địa điểm mà Bộ LĐTB-XH quy định, thử hỏi NLĐ nào mà không tin”.

Anh Phạm Ngọc Hùng (ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng đã không mảy may nghi ngờ khi đặt bút ký hợp đồng đi lao động tại Hàn Quốc với thời hạn 3 năm, tiền lương cơ bản tối thiểu không thấp hơn 768.000 won/tháng. Anh Hùng cũng đã phải nộp hơn 70 triệu đồng. Toàn bộ giấy tờ mà anh Hùng ký kết đều đứng tên TTLĐNN, người ký là ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc với con dấu và chữ ký rõ ràng. Chỉ đến khi đợi mãi không thấy được đi làm việc (hợp đồng ký từ tháng 8-2007), thì anh Hùng mới đến hỏi Trung tâm và tá hỏa biết mình bị lừa. Vì theo ông Xuyên, Trung tâm không có chức năng ký hợp đồng và thu tiền của NLĐ, nên không bao giờ phát hành hợp đồng và phiếu thu.

Đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn NLĐ đã bị lừa đảo đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian vừa qua. Các chiêu lừa NLĐ hiện nay được nâng cấp thành những thủ đoạn hết sức tinh vi và… thật đến mức NLĐ dù bị lừa nhưng cứ ngỡ là mình sắp được đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua con đường nhà nước. 4 hành vi lừa đảo thường được các đối tượng lừa đảo sử dụng là làm giả hợp đồng đi làm việc tại Hàn Quốc, làm giả giấy thông báo đi học giáo dục định hướng, làm giả phiếu thu trong đó giả mạo con dấu của TTLĐNN; làm giả danh sách lao động được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn; tổ chức cho NLĐ kiểm tra tiếng Hàn trái pháp luật trùng với ngày kiểm tra chính thức (kỳ kiểm tra được Bộ LĐTB-XH Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Hàn Quốc tổ chức thống nhất trong toàn quốc); tổ chức khóa giáo dục định hướng trái pháp luật cho những NLĐ có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc trong khi những người này chưa tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn theo quy định và chưa có hồ sơ đăng ký dự tuyển tại TTLĐNN.

“Chiếc bánh XKLĐ Hàn Quốc” ngày càng bé đi 

Theo ông Vũ Minh Xuyên, việc đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình cấp phép lao động EPS (được triển khai từ năm 2004) được đánh giá là rất thành công. Năm 2007, số lượng lao động được đưa đi lên đến 10.419 người. Tính chất của chương trình này là NLĐ chịu phí thấp, lương lại cao nên Hàn Quốc là thị trường XKLĐ được NLĐ đổ dồn vào. Chính vì vậy, các đối tượng lừa đảo càng ra sức tập trung lừa gạt NLĐ. Đã có hàng ngàn NLĐ bị lừa đảo bởi những chiêu trên, người nào cũng mất từ 50-70 triệu đồng. Điều đáng nói là ngay từ đầu, nhận thức đây là chương trình XKLĐ “màu mỡ”, NLĐ quan tâm nên Bộ LĐTB-XH đã đặc biệt chú trọng công tác truyền thông. “Nhưng không hiểu sao NLĐ vẫn bị lừa”, ông Xuyên thắc mắc. Vì vậy, NLĐ cần hết sức chú ý điều này để tránh bị lừa đảo.

Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý nữa, có thể càng ngày, số lượng lao động được đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ ít đi, bắt đầu từ năm 2008. “Vì hiện nay Hàn Quốc đã tuyển dụng lao động của 13 nước thay vì 6 nước như trước đây. Do đó, thị trường này sẽ ngày càng hẹp lại. Chủ sử dụng lại ưu tiên tuyển dụng lại các lao động cũ, vì vậy số lao động mới được đi không còn nhiều”, ông Xuyên thông báo. 

QUANG PHƯƠNG 

NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc cần chú ý:

- NLĐ khi chưa tham dự kỳ kiểm tra chính thức do Bộ LĐTB-XH phối hợp với Bộ Lao động Hàn Quốc tổ chức hoặc đã tham dự kiểm tra nhưng có điểm không đạt yêu cầu thì không thể đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Không có cá nhân, tổ chức nào có thể đưa những người lao động chưa đạt yêu cầu về tiếng Hàn đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

- NLĐ chỉ phải nộp tiền theo mức quy định sau khi đã dự kiểm tra tiếng Hàn đạt yêu cầu, nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển về TTLĐNN và đã được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.

Tin cùng chuyên mục