Hỗ trợ người tàn tật ở tại Sa Đéc và các nơi trong tỉnh Đồng Tháp là hoạt động được đặc biệt chú trọng trong 6 chương trình nhân đạo của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). Mới đây, trong đợt thăm và tặng quà người mù nghèo ở huyện Tháp Mười do chị em phật tử thiện nguyện ở Sa Đéc tổ chức, hội đã ủng hộ 150 phần quà, trị giá 300.000 đồng/phần.
Trao vốn giúp người tàn tật mưu sinh
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan (37 tuổi, ở khóm 2, phường 1, thành phố Sa Đéc) bị sốt bại liệt, teo cơ cả hai chân từ năm 2 tuổi, sống với bà nội (77 tuổi) vì cha mẹ ly dị và bỏ đi làm ăn xa. Trước đây, chị ráng lê lết đi giặt đồ mướn. Từ ngày được hội tặng xe lắc tay, chị Loan đi bán vé số phụ bà nội. Chị Loan vẫn còn xúc động khi nhớ lại: “Năm 2013, hội đã cho xe từ thiện đến tận nhà rước em lên Cao Lãnh nhận xe lắc tay, chỉ dẫn cách sử dụng rồi đưa em về tận nhà. Mấy chú nói nhìn cảnh em muốn đi thì phải bò lết bằng hai tay mà thấy đứt ruột. Nhờ có những người như vậy em mới đỡ khổ.”
Chị Trần Mỹ Lệ (29 tuổi, ở ấp Đông Qưới, xã Tân Khánh Đông) cũng bị khoèo bẩm sinh cả hai chân. Năm 20 tuổi, chị tự nguyện sống chung với người đàn ông làm công ở gần nhà, đến khi sinh con gái thì bị bỏ rơi. Gia đình cha mẹ nghèo, đông anh em, không đùm bọc nổi, nên mẹ con phải ra bờ ruộng dựng cái chòi lá rách nát. Hội đến thăm và giúp chị xe lắc tay; còn vận động giúp chị cất lại nhà lành lặn. Mỗi sáng ở chợ quê, con gái 8 tuổi lon ton theo xe mẹ bán vé số.
|
Anh Nguyễn Thanh Trọng (40 tuổi, ở khóm Tân Thuận, phường An Hòa) bị bại liệt hai chân do di chứng sốt bại liệt từ năm 8 tuổi. Mỗi ngày anh sử dụng xe lắc tay đi khắp các ngõ ngách Sa Đéc bán 100 tờ vé số, nuôi vợ và 2 con. Anh Trọng chân tình nói: “Trước đây cần vốn lấy thêm vé số, em phải vay bạc nóng lãi suất 20%. Với 500.000 đồng của hội giúp, tuy không nhiều, nhưng cùng với những đợt trợ cấp đột xuất, nên em đã ráng làm lụng và dần trả hết nợ”.
Cách đây 7 năm, bà Phùng Thị Kim Hoa (71 tuổi, ở khóm 1, phường 1, thành phố Sa Đéc) bị xe đụng gãy chân trái; 1 năm sau, chồng bà qua đời vì cơn hen suyễn cấp; con gái duy nhất đi làm mướn ở TPHCM. Nhớ bao chuyện đã qua, bà Hoa rưng rưng kể: “Năm 2013, hội cho tôi xe lắc tay, hàng ngày bán vé số dạo kiếm được vài chục ngàn đồng. Mấy dịp Tết hoặc rằm lớn, hội còn đến thăm và cho gạo, sữa, đường, dầu ăn, tiền mặt. Mỗi đêm niệm Phật, tôi cầu nguyện bá tánh mạnh khỏe, làm ăn khấm khá để họ có điều kiện ủng hộ hội. Từ đó, hội mới giúp người tàn tật được nhiều hơn”.
THANH TUYỀN