Ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ, phổ biến ở độ tuổi 45 - 54. Mỗi năm ở Việt Nam có trên 5.000 ca mắc mới, một nửa trong số đó tử vong vì ung thư cổ tử cung. Đây là gánh nặng bệnh tật và tâm lý vô cùng to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Dù vậy, tỷ lệ phụ nữ hiểu và biết cách chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung ở Việt Nam còn rất thấp.
Hầu hết phụ nữ khi được phát hiện ung thư cổ tử cung thường đã ở giai đoạn trễ và tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở Việt Nam còn ở mức cao. Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ sẽ có 8 người nhiễm phải virus HPV - loại virus rất dễ lây qua đường tình dục, trong đó tuýp 16, 18, 31, 33 và 45 là thủ phạm chính gây 80% trường hợp ung thư cổ tử cung.
Khi người phụ nữ bị lây nhiễm virus HPV gây ung thư trong thời gian dài từ 6-12 tháng, virus này sẽ gây ra những biến đổi bất thường ở cổ tử cung từ mức độ nhẹ đến nặng. Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Điều đáng lưu ý là hầu hết các giai đoạn của bệnh từ khi nhiễm virus đến xuất hiện các tổn thương có thể mất nhiều năm nhưng lại diễn ra âm thầm và không có triệu chứng để người phụ nữ có thể tự nhận biết được. Do vậy, việc khám phụ khoa định kỳ để sàng lọc ung thư cổ tử cung là rất cần thiết đối với những chị em đã có quan hệ tình dục.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc kết hợp giữa tiêm chủng ngừa virus HPV và khám tầm soát thường qui là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Phụ nữ chưa hoặc đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm chủng phòng bệnh cho mình.
PGS-TS-BS VŨ THỊ NHUNG
(Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM)