Nhìn lại 7 chương trình đột phá - Bài 1: Những điểm sáng

Chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 chương trình đột phá được đề ra tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X. Tuy quá trình thực hiện khá gian nan, song đến nay chương trình đã đạt được những kết quả nhất định, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân.
LTS: Để hướng đến xây dựng TPHCM thành một đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đề ra 7 chương trình đột phá, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. 
Đến nay, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, tuy nhiều chương trình đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, nhưng nếu đánh giá chung thì có thể nói vẫn còn khá ngổn ngang. Trong thời gian còn lại, nếu TPHCM thiếu những giải pháp đột phá thật sự thì một số chương trình sẽ khó có thể hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ.
Nhìn lại 7 chương trình đột phá - Bài 1: Những điểm sáng ảnh 1 Ông Trang Thu Quan (thứ 2, từ phải qua) cùng người thân dạo mát bên rạch Ụ Cây đã được chỉnh trang. Ảnh: QUANG HUY
Tiền đề quan trọng nâng chất lượng sống
Quận 8 là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi diện mạo từ kết quả của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Trước đây, quận 8 là nơi có số nhà ven và trên kênh rạch nhiều nhất ở TPHCM, với khoảng 11.000 căn nhà. Trong đó, các phường 9, 10 và 11 có hơn 2.550 căn nhà tạm (trên 13.700 cư dân) nằm trên rạch Ụ Cây. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 920 hộ dân trên rạch Ụ Cây đã được giải tỏa, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2, bằng việc di dời những hộ dân còn lại để đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông, mảng xanh, xây dựng các khu tái định cư và nhà ở thương mại. Những ngày cuối tháng 6-2018, có mặt tại rạch Ụ Cây, chúng tôi ghi nhận những hình ảnh nhếch nhác, dơ bẩn của tuyến rạch Ụ Cây ngày nào đã dần được xóa bỏ. Thay vào đó là sự khang trang với bờ kè, đường giao thông, cùng mảng xanh chạy dọc hai bên bờ rạch Ụ Cây, trở thành địa điểm yêu thích của người dân tìm đến để tập thể dục, hóng gió, thư giãn…
Những kết quả nêu trên chỉ là bước đầu, nhưng là tiền đề rất quan trọng để TPHCM đạt được thành công trong Chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị  giai đoạn 2016-2020. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là di dời toàn bộ những căn nhà trên và ven kênh rạch, với phương châm tổ chức lại cuộc sống người dân tốt hơn. Theo Sở Xây dựng, toàn TPHCM hiện còn hơn 21.850 căn nhà ven và trên 57 tuyến kênh rạch; trong đó nhiều nhất là quận 8, có khoảng 15.000 căn nhà.
Là người trực tiếp chứng kiến sự hồi sinh của rạch Ụ Cây, ông Trang Thu Quan (67 tuổi, nhà số 391 Ụ Cây, phường 10, quận 8) và nhiều người ở khu vực không giấu nỗi vui mừng trước sự thay đổi này. Ông Quan cho biết đã sống tại đây từ năm 1930. Đến nay, gia đình ông có khoảng 13 người, sống trong căn nhà 30m2. “Trước đây, rác rưởi ngập ngụa, dòng nước đen kịt, mùi hôi thối từ rạch bốc lên nồng nặc. Hầu hết người dân ở đây là người nghèo, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của chúng tôi cứ gắn mãi với sự ô nhiễm này”, ông Quan chia sẻ. Là một trong gần 1.630 hộ dân sẽ phải di dời để thực hiện giai đoạn 2, ông Quan khẳng định gia đình ông sẵn sàng bàn giao mặt bằng để Nhà nước thực hiện chỉnh trang cho khu vực được xanh, sạch hơn và khang trang, hiện đại hơn.
Tương tự, khi biết chủ trương TPHCM di dời tiếp hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch còn lại, nhiều hộ dân nửa mừng, nửa lo. Như hộ ông Huỳnh Văn Danh (ngụ số 1751/17 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8) sống trên kênh Đôi, có 22 nhân khẩu, phải chia nhỏ từng phần diện tích để cho các cặp vợ chồng, con cái có chỗ sinh hoạt riêng tư. Chỗ ở chật hẹp, lại nằm gần xáng cạp đất nên gia đình ông thường xuyên hứng chịu tiếng ầm ầm của máy móc. Do đó, ông Danh và người dân trong khu vực vui mừng trước tin sắp thoát cảnh nước ngập, ô nhiễm và hy vọng được bố trí một nơi ở mới tử tế. Còn gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (ngụ S128/3 Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4) cũng nằm trong diện di dời để chỉnh trang kênh rạch. Bà Phượng mong muốn chính quyền nhanh chóng thực hiện di dời và gia đình được bố trí nơi ở mới “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông, giảm ngập
Một chương trình đột phá dân sinh khác là giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông cũng đạt được một số tín hiệu tốt. Chương trình cho thấy sự nỗ lực của ngành giao thông TPHCM trong việc tập trung đầu tư, hoàn thiện nhiều công trình giao thông trọng điểm. Cụ thể, TPHCM đã đưa vào khai thác sử dụng các công trình như cầu Phú Hữu trên đường Vành đai Đông (quận 9), đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (từ sân bay Tân Sơn Nhất đến nút giao Linh Xuân - quận Thủ Đức), đường vào cảng Phú Hữu (quận 9), cầu vượt ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân)…
Trong năm 2017 và các tháng đầu năm 2018, ngành giao thông TP cũng khởi công mới 25 dự án; đẩy nhanh tiến độ thi công, tổ chức thông xe kỹ thuật, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 14 công trình/hạng mục công trình. Đó là cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình), cầu vượt thép Ngã 6 Gò Vấp (quận Gò Vấp), cầu Nhị Thiên Đường 1 (quận 8), cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Văn Cừ với đường Võ Văn Kiệt (quận 1, quận 5), cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt (quận 1), 1 nhánh hầm chui nút giao An Sương (quận 12), hầm chui Mỹ Thủy (quận 2), xây dựng nút giao thông chính Đại học Quốc gia, cầu qua đảo Kim Cương (quận 2)...
Sở GTVT đánh giá, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu ở TPHCM  đang ở mức dưới chuẩn rất nhiều, song vẫn được khai thác hiệu quả. Từ đó, tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông tại một số điểm nóng hoặc các trục đường quan trọng trên địa bàn TPHCM đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cuối năm 2016, trên địa bàn TPHCM có 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Đến năm 2017 còn 32 điểm và phát sinh thêm 2 điểm. Hiện nay, tình hình giao thông còn phức tạp nhưng qua theo dõi đến tháng 4-2018, trong số 34 điểm trên có 18 điểm  chuyển biến tốt, 8 điểm có chuyển biến. Đánh giá chung, Sở GTVT nhận định, đến nay TP đã đạt chỉ tiêu kìm hãm và giảm dần số vụ ùn tắc giao thông được nêu ra từ đầu nhiệm kỳ.
Tương tự, từ đầu nhiệm kỳ cũng đặt ra chỉ tiêu hàng năm giảm 5% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông. Tính đến nay, TP đạt được 2 chỉ tiêu về số vụ và số người bị thương (từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 4-2018 giảm được 12% vụ tai nạn giao thông, giảm hơn 20% số người bị thương); song chỉ tiêu về số người chết mới chỉ giảm được 4%.
Đối với Chương trình Giảm ngập nước, theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, giữa nhiệm kỳ đã có 22/37 tuyến đường ngập do mưa được giải quyết (đạt gần 60%). Các tuyến đường còn lại đang tập trung đẩy nhanh thực hiện dự án chống ngập và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Các tuyến đường ngập do triều cũng sẽ được giải quyết đảm bảo theo kế hoạch. Đặc biệt, các quận - huyện đã đầu tư hoàn thành hệ thống thoát nước trên 1.000 tuyến đường, hẻm do địa phương quản lý; trong năm 2018 tiếp tục thực hiện ở gần 490 tuyến đường, hẻm. Như vậy, giữa nhiệm kỳ sẽ hoàn thành chống ngập được hơn 1.490 tuyến đường, hẻm, đạt hơn 830% so với chỉ tiêu trong giai đoạn 2016-2020 (180 đường, hẻm).
Kết quả một số chương trình đột phá
- Chương trình Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của TPHCM đáp ứng yêu cầu hội nhập: Kinh tế TPHCM tăng trưởng cao và ổn định (năm 2015 tăng 7,72%; năm 2016 tăng 8,05%; năm 2017 tăng 8,25%). Phát triển chủ yếu dựa vào dịch vụ và đổi mới sáng tạo (năm 2017 dịch vụ chiếm 53,34% GRDP; tỷ lệ đổi mới sáng tạo 4 ngành công nghiệp trọng yếu năm 2016 là 34,4%). Tính đến nay, 2 chỉ tiêu đánh giá hàng năm là tăng trưởng kinh tế (GRDP) và năng suất yếu tố tổng hợp (TPF) trong 6 chỉ tiêu chủ yếu của chương trình đã đạt. Ngoài ra, trong 13 chỉ tiêu thành phần, đạt 10 chỉ tiêu, chưa đạt 2 chỉ tiêu và 1 chỉ tiêu chưa đo lường được.
- Chương trình Cải cách hành chính: Thủ tục hành chính được cải cách cơ bản. Kết quả khảo sát năm 2016-2017 về tỷ lệ hài lòng đạt trên 80%. Đến tháng 3-2018, TP triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 604 thủ tục; mức độ 4 đối với 112 thủ tục. So với năm 2015, năm 2016 chỉ số cải cách hành chính của TP đã cải thiện được số điểm, lĩnh vực bị trừ và xếp 15/63 tỉnh, thành. Một điểm nổi bật nữa là việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân…
- Chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Một số đề án, chương trình, cơ chế đột phá đã được nghiên cứu, xây dựng, như đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; quy chế thu hút chuyên gia; cơ chế chính sách hỗ trợ tăng thu nhập cán bộ, công chức, viên chức… Cùng với đó, TPHCM đã đẩy mạnh, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng cao. Các chỉ tiêu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học đạt trên 70%.
- Chương trình giảm ô nhiễm môi trường: TPHCM cũng đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Đến nay, 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp đã được xử lý đạt chuẩn; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời trang bị hệ thống quan trắc nước thải tự động và có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, 90% nguồn khí thải công nghiệp cũng được xử lý đạt chuẩn.

Tin cùng chuyên mục