Tại hội thảo "Phát triển thị trường mua bán nợ và xử lý nợ xấu tại Việt Nam" do Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp với NHNN chi nhánh TPHCM tổ chức sáng ngày 20-12, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khi bàn về nợ, nên nhìn 2 khía cạnh: tích cực và tiêu cực. Và ở đây nên nhìn nợ ở khía tích cực hơn, có thể nhìn nợ ở khía cạnh là “ân nhân”.
Doanh nghiệp muốn phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh thì phải vay nợ. Người dân có thể vay nợ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Riêng đối với ngân hàng, dư nợ là khoảng đem lại nguồn thu chính cho ngân hàng vì dư nợ ngân hàng càng tăng thì ngân hàng mới có lợi nhuận. Thực tế nhìn lại tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua cho thấy, thời điểm dư nợ tăng cao cũng là lúc kinh tế tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, năm 2007, khi dư nợ tín dụng tăng tới 54% thì kinh tế tăng trưởng 8,6%, cao nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, dư nợ tín dụng năm 2012 chỉ tăng 8,8% thì tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 5,2%, mức tăng trưởng thấp nhất của kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua. Qua đó cho thấy, việc tăng trưởng tín dụng là rất cần thiết cho sự tăng trưởng của kinh tế. Năm 2017, GDP ước đạt trên 6,7% vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhưng vấn đề là phải kiểm soát để nợ xấu không quay trở lại. Và cần đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó có nợ xấu, nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng cho hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng. Điều này, đồng thời tạo ra một kênh đầu tư mới cho các nhà đầu tư, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần thiết phải phát triển thị trường mua bán nợ và đây sẽ là bước tiến mới trong quá trình phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, kinh nghiệm xử lý nợ xấu thành công tại nhiều nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… cho thấy, các nước này khá thành công trong việc phát triển thị trường mua bán nợ với sự tham gia rộng rãi của các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, hiện thị trường mua bán nợ tại Việt Nam chưa phát triển do khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, việc xử lý nợ còn gặp nhiều khó khăn trong việc định giá và đánh giá mức độ tín nhiệm các khoản nợ. Việc thiếu cơ sở dữ liệu bao quát về nợ xấu cũng là một cản trở lớn trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường mua bán nợ.
Tại đây, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban kiểm soát Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng cho biết, trong giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 611,59 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ bán cho VAMC chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 41%), tiếp đến là tổ chức tín dụng tự trích lập dự phòng rủi ro (trên 25%) và khách hàng trả nợ (gần 20%). Các hình thức khác như phát mại tài sản, bán nợ… chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Theo ông Hùng, trong ba hình thức xử lý nợ xấu chiếm tỷ trọng cao nhất, ngoài hình thức khách hàng trả nợ đạt tỷ lệ thấp nhất, hai hình thức còn lại là bán nợ cho VAMC và tổ chức tín dụng tự trích lập dự phòng rủi ro đang nảy sinh những vấn đề tồn tại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung.
"Đặc biệt, xử lý nợ xấu đã mua của TCTD tại VAMC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thị trường mua bán nợ chưa phát triển tại Việt Nam và do những rào cản về pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm. Việc bán, phát mãi tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đạt hiệu quả thấp. Khả năng trả nợ của khách hàng cũng còn hạn chế do sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn", ông Hùng cho biết.