“Nhịp cầu” Facebook

“Nhịp cầu” Facebook

Gần đây trên các phương tiện truyền thông đã có nhiều cuộc tranh luận về mặt phải, mặt trái của mạng xã hội facebook. Trong khi có những người lợi dụng facebook để bôi nhọ, tấn công, nói xấu người khác dẫn đến những hậu quả đau lòng, những cái chết thương tâm, thì cũng có trường hợp nhờ facebook người ta tìm đến nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn. Có người đã vượt qua cái chết nhờ facebook…   

Từ thông tin của các bạn nhóm từ thiện trên facebook, chúng tôi tìm đến nhà chị Đặng Thị Ánh Tuyết (ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TPHCM) mới biết được cuộc sống khó khăn của mẹ con chị. Chị bị nổi cục bướu ở bên tai phải đã 13 năm mà không có tiền chữa bệnh. Khi bị đau nhức thì ra tiệm thuốc tây mua thuốc giảm đau về uống đỡ. Đến khi cục bướu vỡ ra, chảy máu nhiều thì chị mới vào bệnh viện cấp cứu. Chị cho biết, có người tốt bụng cảm thông hoàn cảnh đã đề nghị chụp hình và lấy thông tin để đăng lên mạng xã hội facebook và đăng báo để kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng. Thật đáng mừng, sau khi thông tin được đăng lên, có nhiều người hảo tâm tìm đến, người cho gạo, người giúp tiền, có người còn giúp mua bảo hiểm y tế để chị có nhiều cơ hội chữa bệnh hơn. Rất nhiều bạn đọc thân thiết của Báo SGGP cũng đã trực tiếp đến tòa soạn hoặc tìm đến nhà và đến tận phòng bệnh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM nơi chị đang điều trị, để thăm hỏi và chung góp trên 20 triệu đồng giúp chị Tuyết chữa bệnh. Hiện nay, chị Tuyết đã mổ khối u, sức khỏe ổn định và sau khi vết mổ lành sẽ được xạ trị để ngăn di căn.

Đại diện Báo SGGP trao tiền bạn đọc giúp em Nguyễn Thị Thanh Bình

Cũng từ thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi còn tìm hiểu hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Thanh Bình (ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM) bị tai nạn gãy cột sống cổ, giập tủy khi đang trên đường đi học về. Sau vụ tai nạn thương tâm trên, em nằm liệt 13 năm và phải đau đớn chứng kiến nhiều biến cố xảy ra trong gia đình. Ba qua đời vì căn bệnh ung thư, mẹ bị tâm thần đi lang thang, 2 em thì bị gián đoạn việc học để đi làm thuê kiếm tiền trả nợ và trang trải cuộc sống gia đình. Qua trang mạng xã hội này, có 1 người đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh và tặng em một cái giường sắt an toàn thay cho chiếc giường gỗ đã bị mục nát, sập đổ mà không có tiền thay mới. Một số người hảo tâm khác cũng đến thăm và tặng em thuốc thoa trị lở loét và cho tiền, nhưng cũng không nhiều. Biết được cuộc sống khó khăn của em và gia đình, Trang Nhịp cầu nhân ái Báo SGGP đã có bài viết kịp thời kêu gọi sự đóng góp bạn đọc hảo tâm, giúp em có thêm điều kiện để duy trì cuộc sống. Em Bình cho biết, sau khi Báo SGGP thông tin, có nhiều bạn đọc đã trực tiếp đến nhà thăm em và giúp tiền. Trong số những người đó, em xúc động nhất là 2 bạn thanh niên tuổi ngoài 20, ở quận 10, đã tìm đến tận nhà thăm hỏi tận tình và giúp 400.000 đồng mà không để lại bất cứ thông tin nào về tên tuổi. Vừa qua, đại diện Ban Chương trình Xã hội Báo SGGP cũng đã đến nhà em Bình thăm và trao tận tay em 18 triệu đồng của bạn đọc chung giúp. Em rất vui mừng và cho biết sẽ sử dụng số tiền này vào việc ăn uống, tập vật lý trị liệu và mua tả lót. Ngoài ra, chính quyền địa phương nơi em đang ở cũng đang làm thủ tục để nâng mức trợ cấp cho em và mẹ. Hiện nay, một số bạn đọc vẫn đang tiếp tục đóng góp cho 2 hoàn cảnh này.

Cuộc sống vốn vẫn có trăm ngàn nghịch cảnh, không sao có thể biết hết và kịp thời cứu giúp. Từ một góc thông tin trung thực trên mạng xã hội đã giúp kết nối các nghịch cảnh với những trái tim nhân hậu, làm ấm tình người và cuộc sống thêm tươi đẹp…

ĐẶNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục