Nhớ anh Ba Khiêm

LTS:
Nhớ anh Ba Khiêm

LTS: Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Ung Văn Khiêm - một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Nam bộ, đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, đã có bài viết Nhớ anh Ba Khiêm. Báo SGGP trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Năm nay nhân dân sẽ trân trọng tổ chức kỷ niệm lần thứ 70 năm ngày đồng bào Nam bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt với những lời vinh danh bất hủ của Bác Hồ: “Nam bộ thành đồng Tổ quốc”, “Nhân dân cả nước nhớ ơn đồng bào Nam bộ”.

Nhớ cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam bộ, chúng ta nhớ đến Thủ đô kháng chiến giữa bưng biền Đồng Tháp Mười, nhớ chiến khu U Minh huyền thoại, nhớ hình ảnh thân thương của các đồng chí trong cơ quan lãnh đạo đầu não cuộc kháng chiến: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh.

Đồng chí Ung Văn Khiêm và các đồng chí trong cơ quan lãnh đạo đầu não cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Nam bộ. (Từ trái sang phải, các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Kỉnh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ). Ảnh tư liệu

Chào mừng 85 năm Ngày thành lập Đảng và 70 năm Ngày Nam bộ kháng chiến năm nay trùng hợp với dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của hai đồng chí bí thư thuộc Đảng bộ Nam kỳ trong giai đoạn tiền khởi nghĩa: Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Ung Văn Khiêm (13-2-1910), Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai (1-11-1910).

Đồng chí Ung Văn Khiêm trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp, chúng tôi quen gọi tên thân mật là “anh Ba”, “anh Ba Khiêm”, “anh Ba nội vụ” - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (Khóa II), Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam bộ, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Ủy trưởng Ủy ban Nhân dân Nam bộ, Ủy viên Nội vụ Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Nam bộ. Anh Ba Khiêm vốn xuất thân từ hai tổ chức tiền thân của Đảng: Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và An Nam Cộng sản Đảng, được đào tạo tại “lớp chính trị đặc biệt” ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) vào thập niên thứ hai của thế kỷ trước do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của anh Ba Khiêm đã được đồng chí Võ Văn Kiệt thay mặt Đảng và Nhà nước ta trân trọng tri ân trong bài điếu văn đọc tại buổi lễ truy điệu anh ngày 22-3-1991 tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM. Đồng chí Võ Văn Kiệt viết: “Tên tuổi của đồng chí Ung Văn Khiêm gắn chặt với một thời lịch sử của đất nước ta, của Nam bộ. Là một trong những người gieo mầm cách mạng vô sản trên mảnh đất này từ giữa những năm hai mươi của thế kỷ XX, đồng chí Ung Văn Khiêm thuộc lứa tuổi đàn anh, lứa “khai sơn phá thạch” cho con đường cách mạng đầy gai góc của dân tộc chúng ta. Ngay khi còn là một học sinh trung học, đồng chí Ung Văn Khiêm đã có mặt trong hàng trăm những chiến sĩ xung kích mang tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc và tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào trận đánh quyết liệt định đoạt sự tồn vong của Tổ quốc”.

Hai năm hoạt động trong các tổ chức tiền thân của Đảng và 15 năm lăn lộn trong các phong trào đấu tranh của quần chúng ở giai đoạn tiền khởi nghĩa sau ngày Đảng ta ra đời, anh Ba Khiêm đã gắn bó máu thịt với đồng chí và đồng bào khu vực đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Vừa tôi luyện trong ngọn lửa của phong trào vô sản hóa, vừa hăng say truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước, vừa ra sức xây dựng chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân. Đó là những điểm đặc sắc về cuộc đời hoạt động cách mạng của anh Ba Khiêm trong 17 năm trước ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trước khi tiếng súng kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam bộ bùng nổ.

Có thể nói, anh Ba Khiêm là một trong những chiến sĩ mác-xít ưu tú đã có công đầu trong việc gieo những “hạt giống đỏ” chủ nghĩa Mác - Lênin và ảnh hưởng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga trên dải đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc ta. Chỉ trong mấy năm ngắn ngủi (1927 - 1930), anh đã góp phần xây dựng mạng lưới tổ chức của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, của An Nam Cộng sản Đảng, của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức quần chúng cách mạng từ quận Bình Thủy - thành phố Cần Thơ đến vàm Bù Hút - tỉnh Đồng Tháp, từ huyện Cầu Kè - tỉnh Trà Vinh đến huyện Thạnh Trị - tỉnh Sóc Trăng, từ thị trấn Cà Mau đến vùng Trung Quận - tỉnh Chợ Lớn...

Từ quá trình hình thành các tổ chức cộng sản đầu tiên đến các giai đoạn cao trào và thoái trào cách mạng liên tiếp diễn ra vào thập niên 30, cũng như trong thời kỳ chuẩn bị tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở 5 năm đầu của thập niên 40 thế kỷ XX. Bằng việc tích lũy những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn sống động của mình, anh Ba Khiêm đã góp phần cống hiến cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng Đảng, trong việc mở rộng phạm vi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin gắn kết với sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, trong sự kết hợp vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh công khai và bí mật, hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, anh Ba Khiêm có mặt trên khắp các chiến trường - từ chiến khu Đồng Tháp Mười đến căn cứ địa U Minh, từ miền Tây, lên miền Trung và miền Đông Nam bộ, từ bưng biền Nam bộ ra núi rừng chiến khu Việt Bắc. Những lĩnh vực công tác và hoạt động của anh Ba Khiêm thật là đa dạng. Là một cán bộ lãnh đạo sống lăn lộn với phong trào, năng động trong hoạt động thực tiễn, anh Ba Khiêm cùng với Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trên chiến trường.

Với trọng trách là Ủy viên Nội vụ Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, anh Ba Khiêm đã ký tên để ban hành Chỉ thị số 4/NV nổi tiếng vào tháng 5 năm 1947. Quán triệt vận dụng tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ, chỉ thị này đã thổi bùng lên ngọn lửa tình cảm yêu nước, tạo ra sự cổ vũ mạnh mẽ về tư tưởng thu hút hơn 5.000 nhân sĩ, trí thức, công chức và công nhân lành nghề rời bỏ đô thành ra chiến khu bưng biền tích cực tham gia kháng chiến. Dấu ấn năng động của anh Ba Khiêm còn được thể hiện đậm nét trong lĩnh vực kháng chiến về mặt kinh tế, đặc biệt là trong việc vận dụng đường lối của Đảng ở nông thôn để tạm cấp đất cho nông dân, để tổ chức thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, để tiến hành việc sửa sai về chủ trương “bao vây kinh tế địch”... Bản lĩnh sáng tạo của anh Ba Khiêm còn được thể hiện trong lĩnh vực “kháng chiến về mặt văn hóa”. Với chức trách Ủy viên Nội vụ Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh tỉnh Bạc Liêu, anh Ba Khiêm đã góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ “luật bất thành văn” về việc không cho sử dụng loại hình ca nhạc tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương trong vùng giải phóng trên chiến trường Nam bộ.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, những tháng năm tập kết ra miền Bắc, anh Ba Khiêm đã được Bác Hồ và Trung ương ủy thác cho nhiều trọng trách: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Anh đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác với ý thức phục vụ quên mình và tinh thần cách mạng tiến công.

Nhớ anh Ba Khiêm, chúng ta không thể nào quên đồng chí Ngô Gia Tự - người đồng chí gắn bó đã cùng anh Ba Khiêm dự lớp “huấn luyện chính trị đặc biệt” do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức, người đã cùng anh Ba Khiêm lên đường về nước trên một chuyến tàu từ thành phố Quảng Châu đến Sài Gòn. Trong năm 1930, cả hai đã lần lượt làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Sau khi đồng chí Ngô Gia Tự bị địch bắt vào mùa hè năm 1930, anh Ba Khiêm đã đảm nhận trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam kỳ thay đồng chí Ngô Gia Tự.

Bác Hồ đã đánh giá cao đồng chí Ngô Gia Tự. Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Người đã viết: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết... Tất cả chúng ta phải noi theo gương anh dũng, chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

Theo lời dạy của Bác Hồ, nhớ các chiến sĩ cộng sản tiền bối, nhớ anh Ba Khiêm, chúng ta nguyện noi theo gương anh dũng, gương chí công vô tư của các đồng chí ấy đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, trước hết.

PHAN VĂN KHẢI
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ

Tin cùng chuyên mục