
Anh Dư Đạm Chu (ảnh) là một người Củ Chi. Anh sinh tại Củ Chi và đã sống suốt cuộc đời mình ở đó. Củ Chi là “đất thép” anh hùng có truyền thống cách mạng kiên cường. Anh đã lớn lên trong truyền thống đó. Nếu cứ theo ấn tượng đầu tiên thì khó có thể nói được anh là một người làm công tác tuyên giáo. Anh không có dấu hiệu bề ngoài nào như người ta vẫn thường hình dung về một người làm công việc ở ngành này: anh không “hào hoa phong nhã”, không đàm đạo về những chuyện cao siêu, học thuyết này, chủ thuyết nọ.
Giọng nói của anh lại đều đều bình thản. Ngôn ngữ của anh cũng rất giản dị, chân thật với tính chất khẩu ngữ của người miền Đông Nam bộ. Chỉ có nụ cười hóm hỉnh và đặc biệt là đôi mắt - sắc, sáng như nhìn thấu con người! Đôi mắt ấy như biết cười, vừa rụt rè, lại như vừa giễu cợt và cả cái dáng đi khiêm nhường cùng vẻ mặt đôi lúc không giấu sự ưu tư lặng lẽ, ẩn chứa những lo lắng không bình yên đã mách bảo cho ta thấy con người luôn nấu nung bao suy nghĩ của anh.

Nếu nói mỗi người làm công tác tư tưởng văn hóa thường nhận được một tấm thẻ xác tín trong nghề nghiệp từ tay đồng nghiệp lớn tuổi, bậc đàn anh của mình thì chúng tôi cùng với nhiều anh chị em trong cơ quan Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cũng có cơ sở để nói rằng chính anh đã trao cho chúng tôi tấm thẻ xác tín ấy. Không chỉ đơn giản vì anh phụ trách công tác tổ chức của cơ quan nhiều năm (trước khi được bổ nhiệm là Phó Trưởng ban) mà hơn cả vì anh đã thể hiện bản lĩnh của một người biết tin, biết yêu quý, biết quan tâm và biết bảo vệ đồng nghiệp, anh em bạn bè ở vị trí và trách nhiệm của mình trong khi vẫn luôn thấy rõ điểm mạnh, yếu của mỗi người. Có thể nói, khi nhận xét về con người, dường như đôi mắt anh cứ luôn nheo lại vì quá tinh tường.
Anh không quan tâm tới sự màu mè, bèo bọt, thoáng qua, dĩ nhiên rồi vì nó rất xa lạ với anh, mà chú ý tới bản chất con người, tới suy nghĩ và niềm mơ ước ẩn chứa nơi đáy sâu trong tim họ, dù đó là một người bảo vệ cơ quan hay chuyên viên cao cấp. Và vì thế, cho dù không thể và không dám so với các anh chị đồng nghiệp quen biết anh đã lâu năm, chúng tôi sẽ giữ mãi lòng biết ơn bè bạn, anh em chân tình và quý trọng cái tâm, cái tình ấy của anh.
Cũng với sự tinh tường ấy, đầu óc của anh lúc nào cũng chứa đầy những lời nói đùa hóm hỉnh. Anh thường nói những câu chuyện khác lạ với mạch chuyện bình thường mà mọi người đang bàn luận. Và cái cách “vào đề” thường bằng những câu hỏi đại loại “Anh/chị có biết…?” đã thu hút mọi người. Trong những câu chuyện ấy, cái thực, cái đùa hòa lẫn vào nhau đến mức không chỉ những người mới gặp anh mà cả anh em bạn bè rất “từng trải” với kiểu đùa ấy của anh nhiều khi cũng bị “mắc lỡm”. Để rồi sau tất cả những vất cả, nặng nề của công việc, của cuộc sống thường ngày, sự đùa vui, hài hước ấy luôn làm chúng tôi thật thoải mái, nhẹ nhàng.
Nhiều anh chị em vẫn hay nhắc về giai thoại “anh Chu đi lấy sổ đỏ cho cơ quan”. Đó là một lần, hết giờ làm việc chiều, thấy anh cùng mấy anh chị em ở văn phòng ban đi bộ có vẻ khá vội ra cổng cơ quan, chúng tôi hỏi: “Ủa! Mọi người đi đâu vậy?”. Anh bảo: “Tôi cùng văn phòng đi lấy sổ đỏ cho cơ quan”. Thấy chúng tôi lộ vẻ ngạc nhiên, anh nói tỉnh rụi: “Ở Sở Xây dựng ấy. Đi làm hoài mà thủ tục chưa xong, cứ hẹn tới hẹn lui. Vừa nghe báo đã có. Phải đi lẹ chứ không hết giờ rồi”. Nghe vậy, chúng tôi đã thấy tin tin.
Nhưng khi anh hỏi “Có cùng đi cho vui không?” thì mấy anh em ở văn phòng phá ra cười. Thì ra hôm đó có việc phải ở lại làm trễ, căn tin cơ quan đã nghỉ nên mọi người tranh thủ sang căn tin của Sở Xây dựng tìm cái gì ăn cho đỡ đói…
Không thể tin được anh ra đi đột ngột như thế dù cái cảm giác sắc nhọn, đau đớn vĩnh biệt đang bóp nghẹt trái tim tất cả người thân, anh em, đồng nghiệp của anh!
HỒNG QUÂN