Nhớ cái tết năm Canh Thìn...

Cho đến bây giờ, sau bao nhiêu năm nếm trải thăng trầm cuộc sống, tôi vẫn không bao giờ quên những ngày đầu bước chân lên thành phố nhập học. Và đặc biệt, tôi không bao giờ quên cái tết năm đó với những con người đã gắn bó máu thịt với TPHCM, sau bao thăng trầm, nhưng vẫn luôn tràn đầy khí chất nghĩa tình với lối sống hào sảng, gần gũi và đầy yêu thương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Tôi, một con bé đen nhẻm, ngáo ngơ, khờ khạo từ tỉnh lẻ “chân ướt chân ráo” bước lên Sài Gòn nhập học, hành trang không có gì ngoài mấy bộ quần áo đã sờn cũ, vài quyển tập sách sơ sài. Gia cảnh khó khăn, chỉ mình mẹ tôi phải bươn chải nuôi 4 đứa con nên tôi gặp nhiều khó khăn. Năm 2000 - năm Canh Thìn bão lụt đó, lũ về rất lớn.

Chưa biết kiếm đâu ra tiền để đi lên thành phố nhập học thì cơ duyên đưa đẩy tôi gặp ngay đoàn cứu trợ lũ lụt xuống ngay thị trấn. Nghe các cô chú, anh chị trong đoàn cứu trợ nói từ TPHCM xuống, phát quà xong sẽ trở lên thành phố ngay. Mẹ tôi quyết định không bán xuồng bông súng, bông điên điển nữa, tất tả quay về chuẩn bị đồ cho tôi quá giang lên thành phố nhập học để không tốn tiền. Tôi vừa ra ngõ đã gặp người tốt!

Nhập học được 1 tháng, tôi được một người bạn cùng lớp đem cho tôi 20 quyển tập trắng tinh. Bạn ấy nói là biết hoàn cảnh tôi khó khăn, nên có về kể cho anh chủ nhà trọ nghe, anh ấy thấy thương nên gửi tặng tôi 20 quyển tập để làm món quà động viên. Cho đến bây giờ, tôi vẫn biết ơn anh ấy, dù chưa một lần gặp mặt.

Rồi cái tết đầu tiên khi tôi biết đến TPHCM, tôi xin được công việc làm thêm là chèo đò cho nghệ sĩ hát trên hồ ở công viên Đầm Sen. Mấy anh, mấy chú ở Đầm Sen thương mấy đứa sinh viên nghèo, nên khi thì tiếp tế cơm, thức ăn, khi thì cho bánh chưng, bánh tét.. Những lúc nghỉ ngơi, mấy chú lại cho những lời khuyên về kinh nghiệm sống, cách ứng xử đúng đắn, tử tế trong cuộc sống… Với một người trẻ người non dạ, chưa từng trải như tôi, thì đó là những bài học quý và đáng giá biết bao…

Nhưng có lẽ xúc động nhất trong tết năm đó là kỷ niệm mà suốt đời tôi cũng không bao giờ quên. Biết tôi khó khăn, ở lại ký túc xá đi làm thêm, chỉ toàn ăn mì ký, nhỏ bạn học chung lớp về kể cho ba mẹ nghe. Cũng là những người ở TPHCM lâu năm, nhưng vì nhà đông con nên ba mẹ của bạn cũng rất vất vả mưu sinh để nuôi đến 6 người con khôn lớn, ăn học.

Ngày 29 Tết năm đó, cả ký túc xá vắng tanh. Chỉ còn lại mình tôi ở lại giữa không gian ký túc xá mênh mông mà bình thường có tới mấy trăm người ở. Một sự cô độc và buồn tủi len lén dâng lên. Biết tôi buồn, bạn chở tôi về nhà bạn, mời tôi ăn một bữa thịnh soạn với đầy đủ các món ngon của ngày tết, nào là bánh chưng, dưa kiệu, thịt kho tàu, nem chả các loại.

Nhỏ bạn nói: “Mày ăn cho thiệt no đi, đừng có ngại gì hết á! Vô nhà tao, mày đừng khách sáo!”. Thiệt tình là tôi rất e ngại khi phải đi “ăn chực” ngày tết, mà sự nhiệt tình của bạn, làm tôi muốn khóc! Tôi biết, dù là ở TPHCM, nhưng nhà bạn lúc đó cũng không dư dả gì đâu, nhưng bạn không tính toán gì với tôi hết! Đã vậy, bạn còn chạy ra chợ mua mấy ổ bánh mì, nhét đầy thịt kho cho tui mang về ký túc xá ăn chiều! Mẹ của bạn đi đâu đó về, nghe bạn giới thiệu: “Bạn con! Nó ở lại đi làm thêm, không về quê ăn tết!”.

Vậy đó, rồi bác nói: “Con cứ ăn cho thiệt no đi, cứ tự nhiên như ở nhà mình vậy nghen con!”. Xong, bác âm thầm lấy cái phong bì màu trắng, để vào đó 50.000 đồng, trước khi bạn chở tôi về lại ký túc xá, bác lì xì cho tôi, và dặn: “Đây là món quà nhỏ bác dành tặng con, bác muốn con đúng giao thừa hãy mở nó ra, và xem như luôn có những người thân và gia đình bên cạnh con vậy!”. Tôi không kiềm được nước mắt trước tình cảm của một người phụ nữ xa lạ ở TPHCM, lần đầu tiên gặp mặt mà lại dành cho tôi những tình cảm đầy yêu thương như vậy…

Rồi cũng năm đó, tôi nhận được học bổng của nhóm công tác xã hội ở TPHCM. Suất học bổng với thông điệp “Người đi trước rước người đi sau”. Tôi lại có thêm nguồn lực và sự động viên tiếp tục sự nghiệp học hành sau nhiều lần vì khó khăn mà muốn bỏ dở… Những năm ở TPHCM, tôi ở trọ nhà một chị chủ luôn luôn nấu cơm dư. Rất nhiều lần, chị kêu tôi xuống lấy “cơm còn dư” ăn, sau những buổi tối đi dạy kèm mệt và đói lả, tôi mới hiểu rằng, chị cố tình nấu dư để cho tôi ăn miễn phí mà không ngại.

img-4019-2322.jpg
Nhờ có sự tiếp sức của mọi người, tôi có được ngày hôm nay. Đón tết này, tôi lại nhớ tết xưa với sự biết ơn sâu sắc.

Vậy đó, sau nhiều năm ở thành phố, cố gắng phấn đấu, trong hành trình vượt khó của tôi luôn có những con người TPHCM hào sảng, nghĩa tình, đầy ý nhị và tinh tế… Tôi biết, đồng tiền chân chính nào cũng luôn thấm ướt mồ hôi và nước mắt.

Cho đến bây giờ, TPHCM trong tôi vẫn là những yêu thương, là những con người lao động chân chính, bình dị, đầy tình người, sống văn minh… Tết Giáp Thìn năm nay, tôi lại nhớ Tết Canh Thìn năm xưa với một xúc cảm vẹn nguyên hòa lẫn sự biết ơn trong tận đáy lòng, càng cảm nhận sâu sắc hơn về tình người trên quê hương đất Việt.

NGUYỄN KIM BÔNG
TP Cao Lãnh, Đồng Tháp

Tin cùng chuyên mục