Mấy năm nay dì Hai yếu, nằm ở bệnh viện nhưng khi nghe tin dì Hai mất lại thấy đột ngột và hụt hẫng. Thế hệ của dì, của má lại lần lượt ra đi, làm trái tim của các con, cháu và những người thân yêu thấy nhói đau, mất mát. Giờ đây, người cán bộ của Hội Phụ nữ Cứu quốc năm xưa, một con người kiên trung, hiền hậu, luôn tin yêu, gần gũi, động viên lớp trẻ đã không còn nữa.
Với 96 tuổi đời, huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, dì Hai thuộc lớp lão thành cách mạng tiêu biểu, gắn bó với hai cuộc kháng chiến cho đến thời hòa bình xây dựng đất nước. Quê dì ở làng Phong Thạnh Tây, Giá Rai, Bạc Liêu - vùng đất nổi tiếng với sự kiện đấu tranh giữ đất của những người nông dân ở đồng Nọc Nạn. Gia đình dì là cơ sở của Đảng ngay từ buổi đầu thành lập. Lúc nhỏ, dì từng đi đưa thư, coi cổng cho các cuộc họp, dần dần được giao những công việc lớn hơn, rồi được vào Đảng và làm bí thư chi bộ của làng năm 1938.
Trong quá trình hoạt động, dì Hai được giao nhiều nhiệm vụ từ cơ sở đến Trung ương, cả nông thôn và đô thị, nhưng nhiều nhất là công tác phụ nữ, và địa bàn quen thuộc nhất của dì là miền Tây Nam bộ. Dì Hai luôn gắn bó, đồng cam cộng khổ với các tầng lớp nhân dân và luôn được nhân dân đùm bọc, che chở. Có lúc dì là Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc Rạch Giá, Bạc Liêu; có lúc làm Bí thư thị xã Rạch Giá, Trà Vinh. Năm 1961 là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Giải phóng miền Tây Nam bộ, sau đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phóng Khu Tây Nam bộ, năm 1968 được rút về R. Sau giải phóng tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Minh Hải khóa VI.
Dì Hai sống trọn vẹn, thủy chung. Gia đình nhỏ của dì, dượng Hai là đồng chí Lê Thiện Tài - cán bộ Binh vận. Hai người có hai con trai và năm 1954 được gửi ra Bắc, còn cha mẹ ở lại công tác ở chiến trường miền Nam. Dì Hai coi con em của những người đồng đội như con em của mình. Có một câu chuyện cảm động được dì Hai kể là trong vòng vài tháng trước và sau Tết Mậu Thân, gia đình của cô Năm Mè có ba người con trai lớn hy sinh, người con trai còn lại cũng đang chiến đấu trong một đơn vị chủ lực của miền, dì Hai đã viết một bức điện ngắn gửi đến đồng chí Phó Bí thư Khu ủy lúc đó: “Anh Bảy gọi Bé Năm về. Phải giữ cho anh chị Hai Nhơn một đứa con trai”. Và Bé Năm đã về khi bị một vết thương khá nặng ở đầu gần hố mắt. Dì Hai cho rằng thái độ của hai vợ chồng cô Năm Mè khi các con hy sinh đã dạy cho dì và mọi người nhiều điều. Những lúc công tác hợp pháp dì Hai dành tiền làm thêm để thăm nuôi đồng đội ở trong tù.
Làm công tác Phụ vận, dì Hai luôn giữ gìn sự đoàn kết, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Chị Hoa Lệ, Anh hùng Lao động luôn nhắc cô Ba Định, dì Hai Được với tấm lòng biết ơn - đó là những người đã tiếp quản và dành cho Du lịch Hòa Bình ngôi nhà để hoạt động có hiệu quả và trở thành đơn vị Anh hùng.
Trong cuộc đời dì có một phần thơ, trong tâm hồn dì dào dạt chất thơ. Thơ dì sáng tác hàng trăm bài và có tuyển in ra một tập, tập thơ mang tên “Tâm tình”. Thơ dì gắn với cách mạng, quê hương, gia đình, đồng bào, đồng chí. Thơ dì là kết tinh tâm hồn, tình cảm, lý tưởng cao đẹp của một con người giản dị, khiêm nhường và ẩn sâu bên trong một tấm lòng sắc son, nhân hậu.
Kính mong dì Hai ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.
Xin tiễn biệt dì Nguyễn Thị Được - một nhà cách mạng, một con người có cốt cách sáng, đẹp, một tâm hồn thơ với những bài thơ Mơ, Đổi Đời, Thơ về An Khánh, những bài thơ về màu hoa tím thủy chung...
PHẠM PHƯƠNG THẢO