Kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2008)

Nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ kính yêu

Nguyễn Minh Ngọc
Nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ kính yêu

Đầu năm 1958, Tổng cục Hậu cần giao cho Trưởng phòng Huấn luyện Trần Chí Cường tham gia tổ chức cuộc triển lãm khoa học kỹ thuật hậu cần toàn quân lần đầu tiên tại Cửa Bắc, đường Phan Đình Phùng, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng khoa học từ thực tiễn Việt Nam làm cơ sở để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước chính quy về mặt kỹ thuật. Triển lãm thu hút rất nhiều đơn vị, nhiều ngành tham gia. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội đã tới thăm triển lãm.

Nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ kính yêu ảnh 1

Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Thanh Bình tại triển lãm Hậu cần 1958, đồng chí Trần Chí Cường ngoài cùng bên phải. Ảnh: T.L.

Đặc biệt vinh dự là Bác Hồ kính yêu đã dành thời gian đến thăm triển lãm. Buổi sáng hôm ấy, Bác đến thăm mà không báo trước. Người xuất hiện nhẹ nhàng trong bộ bà ba nâu giản dị, chân đi dép cao su. Đến triển lãm, Bác vào ngay phòng trưng bày các trang bị về sinh hoạt của bộ đội, nơi có hệ thống sa bàn, mô hình về hậu cần bảo đảm chiến đấu.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần giới thiệu với Bác Hồ và xin phép Người cho đồng chí Trần Chí Cường được báo cáo. Quá đỗi xúc động vì bất ngờ, Trần Chí Cường vừa mừng lại vừa lo. Bao nhiêu là biểu đồ, sơ đồ, hiện vật... làm sao có thể báo cáo hết với Bác trong một khoảng thời gian ngắn? Như hiểu được tâm trạng của người cán bộ đang đứng trước mặt, Bác Hồ đưa mắt nhìn bao quát, chòm râu bạc phơ phất. Đôi mắt hiền từ, ấm áp của Người ánh lên đầy khích lệ.

Đồng chí Cường báo cáo ngắn, gọn. Thấy Bác chăm chú lắng nghe, ông cảm thấy vững dạ và tự tin hơn. Thỉnh thoảng, Người dừng lại hỏi đôi điều, ông đều trả lời trôi chảy. Lúc giới thiệu sa bàn “Hậu cần bộ binh trong chiến đấu”, Cường nói một thôi, “đây là các trang bị dã chiến đem ra huấn luyện dã ngoại...”. Bỗng nhiên, Bác Hồ ra hiệu ngừng lại, Người nghiêm nghị hỏi:

- Chú vừa nói cái gì vậy?

Cứ ngỡ là Bác nghe chưa được rõ, Trần Chí Cường thưa lại. Nhưng không, Người ôn tồn:

- Thế tiếng Việt mình có chữ nào thay thế được không chú?

- Thưa Bác, đây là các trang bị khi chiến đấu, lúc huấn luyện đưa ra bãi tập để tập.

Bác Hồ ôn tồn:

- Vậy tại sao chú không dùng tiếng Việt mình mà lại dùng từ nước ngoài cho khó hiểu? Các tài liệu dịch có những từ vay mượn của nước ngoài thì cố gắng thay bằng tiếng Việt cho dễ nói, dễ hiểu.

Đồng chí Trần Chí Cường vội vã thay các từ Hán - Việt bằng các từ thuần Việt để báo cáo với Bác. Nghe xong, Người mỉm cười:

- À, bây giờ thì Bác nghe rõ hơn rồi!

Bác cháu cùng cười vui vẻ. Người tiếp tục đến xem cái nồi cơm to đặt trên bếp Hoàng Cầm, ngắm kỹ chiếc xe đạp thồ hàng và chiếc cáng thương binh. Cho tới khi tiễn Bác Hồ ra cửa, Trần Chí Cường vẫn chưa hết bàng hoàng như người đi trong giấc mơ. Xúc động đến quên cả chào Bác theo điều lệnh quân đội.

Bài học của Bác Hồ thật giản dị mà sâu sắc biết nhường nào. Trong quá trình học tập và công tác, đồng chí Trần Chí Cường còn vinh dự được gặp Bác Hồ vài lần nữa, nhưng những lời dạy bảo của Người trong lần đầu tiên luôn theo ông đi suốt cuộc đời. Suốt quãng đời quân ngũ, đồng chí Trần Chí Cường được giao đảm nhận nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng dù bất kỳ ở đâu ông cũng luôn suy nghĩ và gắng làm theo lời Bác dạy.

Nguyễn Minh Ngọc
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng TRẦN CHÍ CƯỜNG
Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần)

Nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ kính yêu ảnh 2

Đông đảo các đại biểu và nhân dân đến tham quan phòng trưng bày triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân Việt Nam” tại chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh (TPHCM).

Tin cùng chuyên mục