Nhớ nhau, sao lại gửi lời gió mưa

 Đó là câu thơ trong bài Lời mưa của nhà thơ Vũ Từ Trang, hình như ông viết trong giai đoạn cuối, cùng thời gian với tiểu thuyết Và khép rồi lại mở. Khi tiểu thuyết viết xong, ông gửi bản thảo nhờ tôi đọc.
Nhà thơ Vũ Từ Trang (phải) và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở sân chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang
Nhà thơ Vũ Từ Trang (phải) và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở sân chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang

Tôi nói: “Tiếc cho anh, bác Khánh (nhà văn Nguyễn Xuân Khánh) ốm quá, em đọc tiểu thuyết không có kinh nghiệm gì, chỉ với tư cách người đọc thôi. Tốt nhất anh nên nhờ nhà văn Lê Minh Khuê, chị ấy giỏi trong nghề văn xuôi hơn em”.  

Vũ Từ Trang mê văn xuôi của Lê Minh Khuê. Một lần, tôi nghe anh Trang “bốc giời” về chị Khuê, liền bảo: “Bác cứ đội trên đầu một ngôi sao sáng đi, thì cố viết bằng ngôi sao sáng. Còn nhà cháu đây, khi viết, chẳng có đội ai trên đầu sất!”. Lần đó có nhà thơ Vũ Quần Phương cùng nghe, ông chỉ mỉm cười không nói gì. Rồi tiểu thuyết của ông được NXB Phụ nữ đỡ đầu. Khi gọi điện thoại khoe với tôi về sách, ông ít nói về bệnh tật. Ông chỉ kể ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô hay gặp nhà văn Tô Hải Vân, và nhà thơ Lê Đình Cánh, nhà văn Nguyễn Phan Hách. Vũ Từ Trang luyến tiếc là anh Phan Hách đi sớm quá, giá như được nhờ anh Hách đọc cho tiểu thuyết, một người cùng quê hiểu mình thì hay biết bao. Nhà văn Nguyễn Phan Hách thẩm định văn chương sắc sảo và bản lĩnh lắm. Cùng dân Kinh Bắc với nhau, họ hiểu văn hóa quê kiểng của nhau, sử thi của làng nghề, và cả một làng khoa bảng nhiều tiến sĩ nhất cả nước. 

Anh Trang còn chơi thân với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Mã Giang Lân, Vũ Quần Phương. Đúng lúc viết xong tiểu thuyết thì nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã lẫn, ông mất trí nhớ, còn bác Hách thì bị K (ung thư), đi sớm, nhẹ thênh. Lần khác, anh Trang kể với tôi về Tô Hải Vân viết Khởi đầu là mèo, anh Vân viết hay và viết trong nỗi đau quằn quại. Tôi đọc xong anh Tô Hải Vân, thầm nhủ biết ơn chị Hoàng Anh đã đi được cuốn tiểu thuyết cuối cùng, thật hay, của Tô Hải Vân. 

Vũ Từ Trang từng khâm phục Tô Hải Vân, và anh viết tiểu thuyết cũng chạy đua với các đợt xạ trị. Vợ anh Trang, chị Thành, có lúc trống trải quá, hay gọi điện cho tôi, tâm sự về những nỗi niềm của người đàn bà có chồng làm thơ. Khổ. Tôi lấy chồng nhà văn nên thấm lắm, tôi bảo chị: “Chồng mình mình chịu, thua chồng có sao mà chị ngại, anh nào mà dính đến văn chương thì người vợ phải chịu đựng sự gàn dở, cũng cần phải co giãn như cái dây cao su. Chị cứ kệ đi, việc của chị là đi chợ nấu ăn ngon”. Chị Thành là người đàn bà của gia đình, chị chăm lo cho bạn chồng. Nhà thơ Hoài Anh, Thanh Tùng từ TPHCM ra, bạn từ các tỉnh về, chị ân cần chu đáo, hiếm có người vợ hiền thảo được như chị. Có những chuyến đi lên Bắc Ninh, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhỏ nhẹ: “Trang à, cậu tu từ kiếp trước tốt nên mới gặp được cô Thành sống hay như thế”. 

Chẳng riêng người vợ, mà mấy đứa con cả con trai, con rể nhà anh Trang đều rất ngoan, chúng biết chia sẻ với nghề viết của cha mình. Vũ Từ Trang thuận lợi từ một hậu phương như thế để viết. Anh là người không chỉ biết kinh doanh đồ gỗ giỏi, chịu đọc sách và chịu được những “cá tính” của bạn. Anh nhường nhịn và nể bạn, sống vì bạn chân tình. Vũ Từ Trang coi trọng tác phẩm của bạn, anh đọc kỹ, còn anh có viết kỹ và hay hay không, thì phải trông vào tài hoa trời cho. Trời cho ai viết hay thì người đó dạ. Trời cho ai viết hay phải chờ thời gian và bạn đọc thẩm định, chứ không thể nói lấy được là được. Văn chương khó nhọc và đi vào lòng người chầm chậm. Ai viết hay sẽ mãi còn, tôi vẫn có đức tin vào chữ nghĩa như thế.

Có lẽ nhà thơ Vũ Từ Trang, dấn thân với văn xuôi nhiều hơn. Chỉ tiếc tiểu thuyết Và khép rồi lại mở ông viết trong thời gian ngắn, hơi vội, không còn thời gian chỉnh sửa cho hay hơn; viết trong những đợt sau xạ trị, như thế đủ thấy Vũ Từ Trang can đảm. Nếu khỏe mạnh, viết những chương về làng nghề nổi tiếng làm đồ gỗ xuất ngoại, nếu có tay nghề văn xuôi, chắc chắn sẽ đẩy từng chương hay hơn, nhiệm màu hơn nữa.

Nói như một nhà văn từng trải, thì nhà thơ Vũ Từ Trang hơi phung phí tư liệu khi viết tiểu thuyết. Nhưng với một người chống chọi với bệnh ung thư thì ông viết trong đau đớn để hoàn thành tiểu thuyết trong khát vọng của mình cũng là thành công trong niềm an ủi. Và còn có bao nhiêu nhà văn Việt Nam khác nữa, họ viết  trong cơ hàn mà số phận bắt họ phải dừng lại. Bỏ cuộc, tiếc sao? 

Những người bạn cùng nghề văn cũng mừng cho nhà thơ Vũ Từ Trang, ông còn kịp chạy tốc độ, còn hoàn tất tiểu thuyết trong đợt dịch Covid-19; còn nhìn thấy sách khảo cứu Nghề cổ nước Việt tái bản. Và con gái ông là cháu Vũ Thị Thúy cũng đang đánh máy di cảo của ông những ngày trong bệnh viện. Những gì ông khắc khoải về bạn, về cuộc đời, vẫn là câu hỏi lớn: “Nhớ nhau, sao lại gửi lời gió mưa?”.

Tin cùng chuyên mục