Nhu cầu tăng cao, nhiều dòng ô tô khan hàng

Sau những tháng ngày ảm đạm do tác động của đại dịch Covid-19, hiện nay, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, thị trường ô tô đã sôi động trở lại. Nhu cầu tăng cao khiến nhiều dòng xe khan hiếm, giá tăng bình quân trên dưới 20%, tùy loại.
Người dân đi xem xe lắp ráp trong nước tại showroom KIA Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân đi xem xe lắp ráp trong nước tại showroom KIA Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sức mua bật tăng

Theo thông tin Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, doanh số bán xe của các đơn vị thành viên trong tháng 3-2022 đạt 37.000 chiếc các loại, tăng 60% so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên của năm 2022 doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA có mức tăng trưởng khá mạnh, sau khi giảm liên tiếp trong tháng 1 với 34% và 26% trong tháng 2. 

Trong các phân khúc, xe du lịch chiếm áp đảo với 28.491 xe, tăng 62%; 7.794 xe thương mại, tăng 63% và 677 xe chuyên dụng, tăng 41% so với tháng trước. Đáng chú ý, các dòng xe có nguồn gốc trong nước đạt 21.863 xe, tăng 50% và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 15.099 xe, tăng 82% so với tháng trước. 

“Trong 3 tháng đầu năm 2022, phần lớn người tiêu dùng đã lựa chọn mua xe sản xuất lắp ráp trong nước để được hưởng ưu đãi từ việc giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Xu hướng này tiếp tục tăng mạnh từ nay đến hết ngày 31-5, khi thời hạn của nghị định hết hiệu lực”, đại diện VAMA phân tích. Xét về giá trị được giảm, tương ứng với mức lệ phí hiện hành, mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước rẻ nhất là Kia Morning có giá bán từ 302 triệu đồng và đắt nhất là Mercedes-Benz S 450 Luxury có giá 4,969 tỷ đồng; giá xe lăn bánh được giảm theo tương ứng từ 15-298 triệu đồng khi khách hàng mua xe trong đợt này.

Mặc dù được hỗ trợ từ lệ phí trước bạ, nhưng 3 tháng đầu năm 2022, hầu hết các hãng ô tô đều thông báo tăng giá bình quân từ 15-50 triệu đồng/chiếc, tùy loại xe, khiến người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi trọn vẹn.  

Khan hiếm xe nhập

Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dịch vụ ô tô Xuyên Á (quận Tân Bình, TPHCM) Nguyễn Xuân Huy cho biết, đến thời điểm này, cửa hàng không có xe để bán cho khách hàng, đặc biệt các dòng xe từ thị trường Mỹ, châu Âu. Hiện các dòng xe ở những thị trường này về đến công ty có mức giá tăng từ 20%-30% so với trước, nhưng khách hàng phải đặt trước vài tháng mới có hàng giao. 

Tương tự, anh Ngô Thanh Trí, đại diện kinh doanh hãng Ford, cho biết, hiện dòng xe Explorer nhập khẩu từ Mỹ về rất ít, do vậy giá bán được nâng lên khoảng 2,366 tỷ đồng, nhưng khách hàng muốn lấy xe ngay phải cộng 200 triệu đồng mới có xe. Loại xe Ford Everest nhập khẩu từ Thái Lan trước đây thường về nhiều nhưng hiện số lượng cũng nhỏ giọt.

Theo phân tích của giới chuyên gia trong ngành, nhiều dòng xe nhập khẩu hiện vẫn khan hiếm hàng tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau, dù tháng 3 có mức tăng đáng kể. Một trong những lý do cơ bản là vì thiếu nguồn cung tại các nước sản xuất xe. Thực tế này khiến nhiều đại lý nâng giá bán xe khá cao so với trước đây. Nguyên nhân của tình trạng thiếu hàng được lý giải là do thiếu chip cũng như thiếu linh kiện, phụ tùng. Trước đó, Ford có chính sách chỉ sản xuất những mẫu xe bán chạy nhất. Không chỉ có mẫu xe Explorer, cuối năm 2021, Ford Việt Nam cũng gửi thông báo đến các đại lý phân phối về việc giảm nguồn cung mẫu Ranger trong tháng 11, 12-2021 do thiếu linh kiện sản xuất. 

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, nguyên nhân khiến giá xe tăng được cho là xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kéo dài cuộc khủng hoảng thiếu chip điện tử, linh kiện sản xuất ô tô. Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với việc Trung Quốc đang áp dụng lệnh phong tỏa tại một số thành phố lớn khiến chuỗi cung ứng linh kiện ô tô bị đứt gãy, nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng và thậm chí ngưng sản xuất.

Tin cùng chuyên mục