
(SGGP-12G).- Vừa qua, Báo SGGP đã nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Hoàng Hà, kiều bào Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan. Để rộng đường dư luận, xin giới thiệu đến bạn đọc về tấm lòng của một người con xa xứ luôn hướng về đất nước.
Làm ngược
Nhiều quốc gia khi bị suy thoái khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã co mình lại và khuyên người dân tiết kiệm chi tiêu và tung tiền cứu các công ty đang làm ăn thua lỗ. Theo các chuyên gia Australia thì đó là biện pháp không mang lại hiệu quả mà được ví như là tự sát.

Cần hỗ trợ vốn kích cầu cho nông dân. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Bài học cho họ thấy, Mỹ đã bơm hàng trăm tỷ đồng để cứu thị trường chứng khoán, các ngân hàng và bất động sản cùng các hãng ô tô nhưng kết quả là các hãng này vẫn chết, thị trường chứng khoán vẫn điêu đứng và tiền mất tật vẫn mang. Australia và một số quốc gia khác đã không làm vậy.
Thay vì bỏ tiền cứu các ngân hàng và các đại gia, họ đã đem hàng chục tỷ đô la phát cho dân trước ngày cuối năm vừa qua và ngay cả với người ăn trợ cấp, từ 1.000 đến 1.400 đô la để họ chi tiêu. Nhà nước khuyến khích họ cứ tiêu pha mua sắm, đặc biệt là mua hàng nội địa và chính sách này đã đem lại hiệu quả tức thì, được người dân hoan nghênh và ủng hộ.
Vì thế, chỉ trong quý cuối cùng của năm 2008 nhà nước đã thu về 37 tỷ đô la. Đây là kỷ lục mà chưa bao giờ Australia có được. Như thế, với doanh thu này khiến nhà nước có thể yên tâm về tài chính của quốc gia nửa năm 2009 tới đây bất kể tình hình tài chính thế giới diễn ra như thế nào. Kinh nghiệm này của Australia đang được Hà Lan, Đức, Pháp và hàng loạt các quốc gia châu Âu xem xét tức thì.
Trước đây 2 tuần Chính phủ Đức cũng đã có ý định bơm hàng trăm tỷ euro cho các ngân hàng và các đại gia, nhưng học kinh nghiệm của Australia, nay họ tạm ngưng kế hoạch đó mà chi khoảng 17 tỷ đô la kích cầu kinh tế qua trợ cấp cho người dân và ở Pháp, con số được chi ra còn lớn hơn.
Ở nước Nga, mặc dù kinh tế đang suy thoái nhưng mọi sinh hoạt của người dân vẫn được đảm bảo sau khi chính phủ đã chi ra hàng trăm đô la trợ cấp cho mỗi người dân và lương hưu được tăng lên gấp 3 lần năm ngoái. Biện pháp kích cầu này đã có hiệu quả nhanh chóng.
Tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và người nghèo
Việt Nam có thể học hỏi Australia những kinh nghiệm đó để đối phó với tình hình kinh tế suy thoái hiện nay. Việc Chính phủ dành khoảng 17.000 tỷ đồng (1 tỷ đô la) để bù khoảng 40% lãi suất vay thương mại nhằm huy động một lượng khá lớn vốn tín dụng với lãi suất thấp (khoảng 400.000 tỷ đồng với chu kỳ cho vay 1 năm) để hỗ trợ các doanh nghiệp là điều cần thiết nhưng chưa phải là điều cơ bản có tác dụng như liều thuốc cần kíp lúc này.
Theo chúng tôi, đất nước ta chủ yếu là xuất khẩu nông nghiệp và thủy sản nên chúng ta nên học tập kinh nghiệm quý báu của Australia hay một số nước đã làm bằng cách nên chỉ trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ thật sự gặp khó khăn về tài chính, thay vì đem tiền cứu giúp các doanh nghiệp lớn và nên trợ vốn cho dân để họ mua sắm hàng nội địa, kích cầu kinh tế trong nước tăng trưởng đi lên.
Đối với nông dân thì nhà nước cho vay tiền mua máy cày, không lấy lãi trong 2 năm và thu lại bằng lúa, gạo. Còn với người làm nghề đánh cá, cho vay tiền đóng tàu lớn đánh bắt cá trên biển và họ sẽ trả lại bằng tiền cá được thu mua sau mỗi chuyến về.
Để cứu vãn thị trường bất động sản, nhà nước nên có quyết định nhanh và dứt khoát, đó là khuyến khích Việt kiều mua nhà, cho họ đứng tên, thủ tục chỉ trong 3 ngày là hoàn tất và nhà nước nên cam kết giá đất trong năm 2009 không tăng thêm để gây lòng tin. Một biện pháp quan trọng không kém là các xí nghiệp quốc doanh làm ăn không có lãi thì triệt để bán cổ phần hoàn toàn để thu ngân sách về cho nhà nước, tránh phải cứu trợ tài chính vô lý, làm thâm thủng ngân sách quốc gia.
Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những biện pháp rất tốt khi khẳng định mối quan tâm của nhà nước ta trong việc nâng đỡ và tập trung cho kinh tế nội địa và lấy thị trường nội địa làm điểm tựa. Mọi người đều cho đó là một chủ trương sáng suốt, thấu lý đạt tình nhưng nếu biện pháp đó lại được kết hợp với việc trợ cấp kinh tế khó khăn cho toàn dân để đẩy mạnh sức mua, sức tiêu thụ hàng hóa, để tăng kích cầu sản xuất, cổ phần hóa hoàn toàn các xí nghiệp quốc doanh thì chúng tôi tin rằng chắc chắn kinh tế đất nước sẽ khởi sắc đi lên.
Nguyễn Hoàng Hà
*Tít bài do SGGP online đặt