Những bờ vai thầm lặng

Ngày 30-12, quận Bình Tân TPHCM đã tuyên dương 279 gương điển hình các doanh nghiệp, chủ nhà trọ, các nhà trẻ đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với người lao động theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…
Những bờ vai thầm lặng

Ngày 30-12, quận Bình Tân TPHCM đã tuyên dương 279 gương điển hình các doanh nghiệp, chủ nhà trọ, các nhà trẻ đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với người lao động theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…

  • Ấm lòng người trọ

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Huỳnh Thành Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP, ghi nhận những kết quả mà quận Bình Tân đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt là những sẻ chia nghĩa tình của chủ nhà trọ, doanh nghiệp trước những khó khăn của CN trên địa bàn.

Chị Phạm Thị Sim (chủ nhà trọ trên đường 51, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đã từng là công nhân nên chị thấm thía những khó khăn, vất vả của công nhân (CN) ở trọ. Khu nhà trọ gồm 66 phòng của chị hiện có 270 CN đang làm việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thuê ở.

Chị cho biết, CN mỗi người một hoàn cảnh. Người thì phải lo cho con cái, người thì dành dụm gửi về quê để phụ giúp gia đình. “Trong tình hình kinh tế khó khăn, đời sống những CN đang thuê trọ lại khó khăn hơn nên tôi quyết định không tăng giá phòng đồng thời làm thủ tục đăng ký định mức điện, nước để CN được hưởng giá ưu đãi” – chị Sim bày tỏ. Không những thế, đối với những CN khó khăn, chị Sim còn cho nợ tiền phòng.

Tương tự, ông Huỳnh Văn Bảy (số 574/15/13 đường Sinco, phường Bình Trị Đông B) có trên 100 phòng cho thuê không tăng giá. Trong khu nhà trọ còn có sân chơi thể thao để CN giải trí. Ông Bảy cho biết, lúc khó khăn này, chủ nhà trọ phải biết chung lưng cùng CN để vượt khó chứ không nên lợi dụng để tăng giá phòng, tăng thêm khó khăn cho CN. Chính vì thế mà ông đã vận động thêm gần 100 chủ nhà trọ khác thực hiện không tăng giá; thu tiền điện, tiền nước đúng quy định và có những giải pháp hỗ trợ CN khó khăn.

Đồng hành với các chủ nhà trọ, nhiều cơ sở giữ trẻ trên địa bàn quận Bình Tân cũng đã chia sẻ với CN bằng việc cam kết không tăng giá giữ trẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bữa ăn. Cô Lưu Thi Cúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Việt Đức (đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông) bày tỏ: Mặc dù không tăng giá giữ trẻ sẽ ảnh hưởng đến thu nhập nhân viên, cô giáo nhưng hầu hết trẻ em tại trường đều là con của các CN cũng có đời sống khó khăn. Nhiều giáo viên trong trường cũng là người các tỉnh đến nên phải thuê trọ. Để đỡ phần chi phí nhà trọ và đi lại cho nhân viên, nhà trường quyết định cho họ ở lại trường. Ngoài ra, nhà trường cũng tiết kiệm các chi phí mua sắm không cần thiết, lên thực đơn theo từng mùa, tự làm các đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các cháu…

Mặc dù khó khăn nhưng trên 91% nhà trẻ tại Bình Tân không tăng giá giữ trẻ. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non tư thục Việt – Đức).

Mặc dù khó khăn nhưng trên 91% nhà trẻ tại Bình Tân không tăng giá giữ trẻ. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non tư thục Việt – Đức).

  • Chung sức vượt khó

Bà Trịnh Thị Thu Thúy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Bình Tân, cho biết trên địa bàn hiện có gần 10.000 doanh nghiệp với khoảng 300.000 lao động, trong đó gần 220.000 lao động nhập cư có đời sống khó khăn, phải đi thuê chỗ ở trọ. Thực hiện Nghị quyết 11, 100% chủ nhà trọ trên địa bàn quận đã cam kết không tăng giá nhà trọ. Không những thế, nhiều chủ nhà trọ tại TPHCM đã có những hình thức hỗ trợ CN khó khăn như tặng quà, tổ chức vui chơi giải trí, miễn giảm tiền nhà cho CN đặc biệt khó khăn, lập quỹ hỗ trợ chăm sóc CN khi ốm đau… Về phía doanh nghiệp, ngoài tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp, doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm CN về sinh hoạt phí, tiền ăn trưa, phương tiện đi lại…

Qua khảo sát thực tế, tiếp xúc với CN, lao động tại các khu nhà trọ, thu nhập bình quân của một CN hiện nay khoảng 2,5 triệu đồng/tháng (chưa tăng ca), trong khi các khoản chi thường xuyên bình quân 2,3 - 2,5 triệu đồng/tháng (tiền thuê nhà trọ 200.000 - 250.000 đồng/tháng, tiền ăn 900.000 đồng/tháng, tiền điện, nước 100.000 - 120.000 đồng/tháng, chi phí cá nhân khác từ 350.000 - 400.000 đồng/tháng, gửi về quê giúp gia đình từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng). Chi phí này chưa tính việc CN phải nuôi con nhỏ nên với mức thu nhập kể trên, hàng tháng CN phải cố gắng chi tiêu tiết kiệm và tính toán kỹ lưỡng mới đảm bảo sinh hoạt tối thiểu.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho CN, 7.836/7.836 chủ nhà trọ với 74.550 phòng đã cam kết không tăng giá nhà trọ cho gần 220.000 CN đang thuê trọ. Bên cạnh đó, 91% doanh nghiệp có trên 50 lao động hỗ trợ thêm cho CN tiền ăn, tiền thưởng chuyên cần, xăng xe, tiền thuê nhà trọ… giúp 111.000 lao động ổn định thu nhập, yên tâm lao động sản xuất và đang tiếp tục vận động số doanh nghiệp có dưới 50 CN thực hiện. Ngoài ra, 205/207 cơ sở giữ trẻ cũng cam kết không tăng giá giữ trẻ và bảo đảm chất lượng dinh dưỡng khẩu phần ăn cho gần 14.000 trẻ. 

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục