Những bức tranh đậm ký ức hào hùng

Sáng 20-4, tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM khai mạc phòng tranh chung của 4 họa sĩ lão thành: Kim Vinh, Lê Tâm, Thanh Minh và Lê Thoa. Trong khi ba người trước là họa sĩ chuyên nghiệp và đều từng là hiệu phó của trường thì bà Lê Thoa (Lê Thị Thoa) là họa sĩ không chuyên và là phu nhân của cố Thượng tướng Trần Văn Trà.
Những bức tranh đậm ký ức hào hùng

Sáng 20-4, tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM khai mạc phòng tranh chung của 4 họa sĩ lão thành: Kim Vinh, Lê Tâm, Thanh Minh và Lê Thoa. Trong khi ba người trước là họa sĩ chuyên nghiệp và đều từng là hiệu phó của trường thì bà Lê Thoa (Lê Thị Thoa) là họa sĩ không chuyên và là phu nhân của cố Thượng tướng Trần Văn Trà.

Tác phẩm Tĩnh vật 3 của họa sĩ Lê Thoa.

Phòng tranh khai mạc đúng vào ngày kỷ niệm 19 năm Thượng tướng Trần Văn Trà qua đời. Tiến sĩ Lê Thị Thoa (nguyên Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM) năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Dù làm khoa học nhưng bà rất yêu nghệ thuật. Nếu như sinh thời Thượng tướng Trần Văn Trà thích nhiếp ảnh thì bà lại say mê vẽ tranh. Từ khi ông ra đi, bà càng đắm chìm trong hội họa để vơi đi nỗi buồn và tìm cảm hứng sống.

Tranh của bà Lê Thoa có kỹ thuật nhuần nhuyễn và sắc thái thẩm mỹ riêng biệt. Bà hay vẽ về hoa, phong cảnh thiên nhiên và những ký ức về một thời chiến tranh mà bà đồng hành cùng chồng. Những bức tranh tĩnh vật của bà xuất hiện trong triển lãm lần này tái hiện hình ảnh những kỷ vật như chiếc mũ cối, bi đông nước, túi xách bộ đội, khiến người xem xúc động nhớ tới một thời cả nước hào hùng hành quân ra trận. Đó cũng chính là ký ức yêu thương của bà về người chồng tài ba, đức độ. Nhìn tranh của bà Lê Thoa, chúng ta có cảm giác vị thượng tướng tài ba cũng hiện diện đâu đây. Bà tâm sự: “Nhiều lúc tôi cứ ngỡ ông vẫn còn sống. Nhìn những bức ảnh, trang viết, kỷ vật của ông để lại, sao mà thương quá. Tranh của tôi chủ yếu lấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh và những kỷ vật của ông. Tôi vẽ với cảm giác luôn có ông bên cạnh”.

Như đã nói, Thượng tướng Trần Văn Trà là người mê ảnh, ngay cả trên chiến trường lúc nào máy ảnh cũng thường trực bên ông. Nhiều bức ảnh do ông chụp hay qua máy của ông đã trở thành tư liệu quý giá thời chiến tranh. Điều đáng nói là hầu như tất cả số ảnh đen trắng của ông đều do chính tay bà Lê Thị Thoa tráng rửa. Nhờ đó mà bây giờ trong di sản vị tướng để lại có mấy ngàn bức ảnh quý hiếm về ông, đồng đội và những khoảnh khắc ác liệt trên chiến trường. Bất cứ ai đến thăm gia đình Thượng tướng Trần Văn Trà cũng bất ngờ trước sự giữ gìn cẩn thận, ngăn nắp và rất khoa học của bà Lê Thị Thoa về “kho báu” của chồng. 

Bà Lê Thị Thoa cho hay: “Suốt đời ông ở chiến trường, chỉ nghĩ đến việc quân, việc dân, việc nước mà ít có thời gian cho riêng mình. Khi đất nước hòa bình, ông lại đi khắp nơi thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội và những người từng giúp đỡ cưu mang mình. Ông cũng thường dặn dò tôi và các con rằng, làm tướng mà không quân thì tướng chẳng làm gì được, nên khi mình có được chút ít cần phải chia sẻ với anh em”. Từ di nguyện ấy của ông, bà Lê Thị Thoa cùng các con đã tích lũy và có nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa. Gia đình đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh TPHCM hỗ trợ xây dựng hơn 300 căn nhà tình nghĩa và tặng quà cho các gia đình có công cách mạng, bà con vùng sâu vùng xa ở khắp các chiến trường xưa còn gặp khó khăn.

Thượng tướng Trần Văn Trà không còn nữa nhưng tinh thần văn hóa của ông đã truyền lại cho người thân để họ tiếp tục sống, sáng tạo và làm những việc có ích cho xã hội.

HÙNG PHAN

Tin cùng chuyên mục