
Chuyện những ca cấp cứu được tiến hành mổ trong đêm tối tưởng chừng chỉ xảy ra trong chiến tranh. Ấy vậy mà thời bình, một nữ bác sĩ đã gắn đời mình với hơn 800 ca mổ cấp cứu, trong đó hàng trăm ca phải mổ dưới ánh đèn pin, bằng ánh sáng nến mà vẫn cứu người an toàn. Đó là chuyện của chị Lê Thị Thanh Bình ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - nữ y sĩ quân y, nay là BS chuyên khoa 1.
- Tấm lòng với người dân nghèo

Bác sĩ Thanh Bình tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII năm 2005.
Xã Thu Ngạc có diện tích rộng với địa hình cách trở. Hai xóm lao động lại nằm ở vùng cao, muốn đi đến đó phải mất gần nửa ngày đường đi bộ vượt núi, vậy mà ai ai cũng biết “từ mẫu” Thanh Bình dù chị được tăng cường về đây công tác chưa tròn một năm.
Có dịp đến với bà con ở đây, thể nào khách cũng được nghe kể về những ca cứu người của chị. Mới hơn 20 tuổi, cô gái miền núi tên T. đã có thai đến lần thứ 3. Gia đình quá nghèo khó, học tròn mặt chữ đã là may. Nghe lời bạn bè, T. phá thai bằng cách đóng que vào tử cung gây nhiễm trùng nặng.
Nạn nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốt cao, mê sảng, rối loạn tâm thần, thiếu máu trầm trọng và trong người lại không có lấy một đồng. Ngay cả tiền mua thuốc, gia đình cũng phải đi vay mượn. “Còn nước còn tát”- chị Bình chỉ kịp nghĩ thế trước cảnh nguy cấp.
Suốt một đêm thức trắng chiến đấu với tử thần, chị đã giành lại sự sống cho bệnh nhân. Người mệt nhừ, đói rã rời nhưng thấy bệnh nhân nghèo khó, chị nhường phần tô mì tôm của mình. Mọi người nhìn cảnh ấy thì không kềm được nữa, khóc ròng. Chị cười: “Cô ấy mà đói nữa thì không cách nào qua khỏi đâu. Tôi còn khỏe, đói một bữa có nhằm gì”.
Lần khác, một cháu bé đi làm rẫy bị trâu húc lật nửa đầu, rách đứt cả tai. Thông thường những ca nặng như thế phải chuyển lên tuyến trên nhưng gia đình không có tiền, đường lại xa, đến được bệnh viện huyện e không còn cứu kịp. Không thể bó tay, bác sĩ Bình tiến hành phẫu thuật với một ít dụng cụ thô sơ để khâu lại cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài từ 6 giờ chiều đến hơn 9 giờ tối vẫn chưa xong thì cúp điện! Mọi người tìm nến thắp lên, rồi hàng chục người dân nghe chuyện lập tức xách đèn pin đến ứng cứu. Những vết khâu cẩn thận, đều đặn dưới ánh đèn pin với tấm lòng bao dung của nữ bác sĩ và những người dân đã cứu sống cháu bé.
Những ca bệnh hiểm nghèo cộng với cái nghèo của người dân miền núi: đường xa cách trở, đi lại khó khăn, phương tiện thiếu thốn… dường như đã tiếp cho chị thêm nhiều nghị lực, sức mạnh và hơn hết là tấm lòng yêu thương con người. Nhiều gia đình bệnh nhân được chị cứu sống đã trả ơn bằng cách… nhận chị làm mẹ nuôi. Nhắc chuyện chị, nhiều đồng nghiệp vẫn đùa: đi vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch nhưng chính chị Bình là người có… nhiều con nhất!
- Vững vàng ý chí, nghị lực
Năm 1978, chị tốt nghiệp trường trung cấp y. Cái tuổi mười tám hừng hực sức sống, nghe lệnh tổng động viên, chị và nhóm bạn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Bốn người được phân công tại bệnh xá của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Chị đón sinh nhật tuổi 18 trong quân ngũ, đó cũng là lần đầu tiên chị biết đến tiệc mừng sinh nhật.
Quà sinh nhật của bạn bè có lẽ cả đời chị cũng không quên- những vòng hoa kết bằng cây rừng và bữa tiệc bông mít chát chấm muối ớt cay. Rồi hoàn cảnh khắc nghiệt, chị phải chứng kiến bao cái chết thương tâm của đồng đội, hai người bạn trong nhóm của chị cũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Chị tâm nguyện, nếu may mắn được sống sẽ sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội.
Xuất ngũ, chị trở về công tác tại Bệnh viện huyện Thanh Sơn. Chị gởi đứa con nhỏ về ngoại và tiếp tục đi học đại học với mong muốn làm tốt hơn nhiệm vụ cứu người. Những tưởng sự phấn đấu ấy sẽ được chồng vun đắp, chia sẻ. Nào ngờ, anh không đồng ý để chị học tiếp, không cho chị tham gia vào Hội đồng nhân dân tỉnh và còn buộc chị phải sinh thêm con nữa vì chưa có con trai. Gia đình rạn nứt từ đó… Chị suy nghĩ đến ốm nặng rồi quyết định chia tay. Mẹ chị hay tin buồn đến đổ bệnh rồi mất.
Ngay lúc ấy đứa con gái của chị lại mổ viêm ruột thừa. Đôi vai bé nhỏ của chị quen gánh chịu nhọc nhằn giờ lại thêm nhiều nỗi đau chồng chất. Có đêm chị thầm khóc cho phận mình nghiệt ngã, nhưng rồi hình ảnh hai đứa con nhỏ đã tiếp cho chị nghị lực để đứng dậy, bước tiếp. Sự mất mát đã làm chị và các con mạnh mẽ hơn. Năm 1996, chị thi đỗ chuyên khoa 1. Với mức lương 700.000 đồng của một bác sĩ tuyến huyện, chị gói ghém trước sau để 3 mẹ con cùng đi học. Con gái lớn học xa nhà, con gái nhỏ mới học cấp 1 đã biết tự chăm sóc mình.
Xem quyển nhật ký hàng ngày mới biết em không vô tư hồn nhiên như những đứa trẻ cùng trang lứa. - “Hôm nay mình đã đi chợ đến 6.000 đồng, ngày mai phải bớt lại thôi, nếu không sẽ thiếu tiền làm sao mẹ đi học được!”. Cứ thế, ba mẹ con cùng tiết kiệm, cùng thi đua học tập. Sau 10 năm, chị thi đỗ bác sĩ chính. Niềm vui lớn nhất của chị hiện giờ là con gái lớn đã tốt nghiệp đại học ngân hàng, con gái nhỏ luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi.
Những vất vả rồi cũng qua, sự hy sinh của chị đã được đền đáp khi các con chăm ngoan, nên người, học hành đàng hoàng. Niềm vui sống của chị còn là sự yêu thương đùm bọc, là sự tín nhiệm của những bệnh nhân nghèo, của những đứa con mà chị đã cứu sống.
CHẾ HÂN