
Vượt qua hơn 140 “đối thủ” ở vòng thi cấp thành phố, bài làm của hai thí sinh đoạt giải nhất đã thể hiện suy nghĩ, cảm nhận sâu sắc của các em về lẽ sống, cuộc đời; tình yêu thiên nhiên gắn với yêu người, yêu đất nước.
Báo SGGP xin trích đăng bài làm của hai TS đoạt giải cao nhất cuộc thi khu vực TPHCM.
- Bài làm của thí sinh Nguyễn Hoàng Vy (khối 6,7), Trường THCS Phú Mỹ,quận Bình Thạnh (15 điểm):
Không biết tự bao giờ, cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Nhớ làm sao những câu chuyện bà kể dưới gốc đa có chị Hằng, Thạch Sanh, chú Cuội. Đa đi vào ca dao, truyện cổ tích. Ôi! Yêu làm sao cây đa cổ thụ làng ta.
Chẳng ai biết cây đa đầu làng bao nhiêu tuổi cả, chỉ biết khi ông bà ta sinh ra thì đã có cây đa rồi. Đa cứ thế mà lớn lên, rồi trở thành một cây cổ thụ.

Bài làm của thí sinh Nguyễn Hoàng Vy.
Đa nhiều rễ lắm, rễ nổi rễ chìm làm cho mặt đất gồ ghề cả lên. Thân đa to lắm, ba bốn người vòng tay ôm chưa xuể. Đa không có quả thơm, quả ngon như mận, như đào; đa cũng chẳng có hoa đẹp, hoa thơm như gạo, mai. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng trăm cành hiên ngang và tán lá quanh năm xanh biếc. Đa giản dị là bao!
Gốc đa là nơi nghỉ ngơi của bao lữ khách, là nơi nghỉ của cái cuốc, cái cày, con trâu. Nhớ da diết cái thuở ấu thơ theo bà đi chợ, về ngồi nghỉ dưới gốc đa nhâm nhi bát nước chè xanh. Nghĩ đến mà thấy ấm lòng quá. Nhớ cái thuở trẻ thơ, bẻ cành tre, khắc chữ lên cây đa. Đâu ngờ, đa buồn. Đa đau. Đa khóc…
Đa thương người nông dân, nắng mưa sớm chiều phải đi làm ruộng. Đa thương cái tính cần cù chất phác đó, đa cứ thế vươn cành cho rộng, chăm chút tán lá cho dày để gốc đa mát mẻ cho họ nghỉ…
Xuyên suốt từ Bắc vào Nam, trên dải đất liền hình chữ S, nơi mà biết bao anh hùng đã ngã xuống, đâu đâu cũng có đa. Ai yêu nước, thương dân cũng yêu đa. Đơn giản vì đa dũng cảm. Đa cho bộ đội nơi làm phòng tuyến, lá đa dày giặc chẳng thể nhìn thấy. Đa hứng trên mình bao trận bom của giặc. Đa xót xa khi thấy làng mạc bị phá hủy, đa căm thù bọn giặc tàn ác...
Tôi yêu lắm cây đa làng tôi, yêu lắm cái khoảng thiên nhiên rộng lớn này. Tôi muốn đứng trên đỉnh đồi khi trong tim tràn ngập ánh dương của yêu thương để hét lên “Ta yêu đa”. Để rồi nghe trong lá cây rì rào đáp lại “Ta yêu người” thật dịu dàng. Yêu lắm cái thuở bé con, ngồi dưới gốc đa ngắm nhìn hoàng hôn lúc buổi chiều tà để thấy lòng ta thật trống trải. Nhớ những trưa hè nắng gắt, ngồi dưới gốc đa ngắm cánh đồng lúa chín vàng óng ả như tóc của cô thôn nữ để cảm nhận cảnh đẹp tuyệt vời của quê hương ta…
Đa trải lòng mình cho ánh nắng để nắng đem yêu thương đến cho mọi người. Đa yêu con người nơi quê dân dã, mộc mạc, cần cù. Đa cũng biết người thương đa. Ngày ngày ra nhổ đám cỏ gai khỏi gốc đa cho đa đỡ đau, đa quý tấm lòng ấy. Cả làng ai cũng tự hào khi có đa. Đa là bạn, là thầy, đa sẻ chia mọi điều… Tôi yêu đa, thương đa vì đa giản dị, hiền hậu và tôi biết đa quý tôi. Đa im lặng nghe tôi thao thao nói chuyện về mọi thứ trên đời. Đa nhắn nhủ chúc mừng khi tôi có chuyện vui. Đa mừng, tán lá đa rì rào trong gió. Tôi buồn, đa cũng buồn. Đa thích nghe lũ chim sâu ca hát nhảy nhót quanh bác trâu, cô bò...
- Bài làm của thí sinh Hồ Hồng Ngọc (khối 8,9), Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp (16,5 điểm):
Từ thuở lọt lòng cho đến trưởng thành, mỗi chúng ta được nuôi dưỡng bằng cậu chuyện của bà và mẹ. Những câu chuyện ấy không chỉ làm ta thích thú, mà còn tưới mát tâm hồn trẻ thơ, từ đó gieo trồng hạt giống tương lai. “Cô bé bán diêm” gieo tình yêu thương. “Thánh Gióng” gieo lòng yêu nước và dũng cảm. “Bó hoa tặng mẹ” gieo lòng hiếu thảo… Và hôm nay, ta bắt gặp câu chuyện “Tiếng vọng rừng sâu”, kể về những lần cậu bé hét to vào rừng sâu và được rừng vọng lại. Vậy, câu chuyện có ý nghĩa gì? Chúng ta cùng nhau bàn bạc để rút ra bài học quý báu cho cuộc sống…

Bài làm của thí sinh Hồ Hồng Ngọc.
Với tất cả nỗi bực tức, cậu bé đã hét to “tôi ghét người” và rừng đã vọng lại “tôi ghét người”, cậu bé hoảng sợ. Nhưng khi cậu hét lên “tôi yêu người” với tất cả tình yêu thương, rừng đã trìu mến đáp lại. Có lẽ cậu bé không hiểu vì sao lại như thế vì cậu còn quá nhỏ. Nhưng trong tâm hồn non nớt ấy bắt đầu ươm mầm khái niệm trao đi và nhận lại...
Con ong cho mật, hoa cho hương, chim cho tiếng hót, con người cho nhau tình yêu và cao hơn nữa là đức hy sinh. Khi yêu, con người sẵn sàng hy sinh tất cả mà không đòi hỏi gì. Cụ Bơ-men (Chiếc lá cuối cùng – O Henri) hy sinh mạng sống của mình để cho Giôn-xi được sống. Nàng Xtefchia (Con hủi) hy sinh mạng sống, tuổi xuân cho tình yêu được sống. Điều gì đã thúc đẩy họ hành động như vậy? Với Xtefchia là dành cho người nàng yêu Valđemar. Còn với cụ Bơ-men, Giôn-xi chỉ là người cùng nghề họa sĩ, sống cùng căn hộ, không thân thiết. Nhưng vì thương yêu cô gái trẻ tội nghiệp, một mình cụ đã chống chọi giữa đêm khuya mưa bão vẽ nên chiếc lá để cho trái tim Giôn-xi được đập mạnh mẽ. Đổi lại, trái tim cụ Bơmen đã ngừng đập. Cả cuộc đời mình, cụ chỉ mong có một tác phẩm để đời, chính chiếc lá cuối cùng đã giúp cụ toại nguyện.
Cậu bé trong câu chuyện không cần đợi tiếng vọng của rừng bởi vì trong tâm hồn cậu đang có mưa. Mưa tưới mát đất tâm hồn, làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Cậu bé đã nhận lại tất cả, nhận làn gió mát cuốn trôi bao giận hờn, bực tức; nhận tiếng chim reo vui đón chào hạnh phúc… Như vậy, “cho” đã trở thành khát vọng sống mãnh liệt, là hành động thôi thúc... Bởi vì “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” – Tố Hữu...
Tôi sẽ chọn cách sống cống hiến. Tôi cống hiến tài năng và sức trẻ để gây dựng đất nước, kinh nghiệm cho lớp trẻ mai sau… Để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, tôi sẽ mỉm cười hài lòng trong khi mọi người khóc.
Người ta nói “cho và nhận” chứ không nói “nhận và cho”. Bởi vì sống thì cứ “cho” đi, đừng mong “nhận” lại. Nếu ai “cho” đi để mong “nhận” lại thì đó chỉ là sự “trao đổi”, không phải là san sẻ yêu thương...
Cuộc đời vẫn cứ tiếp diễn, con người hàng ngày vẫn làm việc, lao động và “cho” – “nhận”. Hy vọng rằng, mọi người cứ “cho” đi mà không chờ “nhận” lại. Bởi vì khi “cho” là “nhận”. Thời gian rồi cũng sẽ qua mau, có những thứ sẽ phai mờ nhưng hãy tin tôi, điều gì đã “cho” sẽ mãi trường tồn như câu chuyện “tiếng vọng của rừng”. Bởi vì nó đã được khắc sâu trong tim, chảy trong huyết mạch để nhắc nhở nhau rằng “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”...
Nhận xét của ban giám khảo Giám khảo Lê Xuân Giang – Triệu Thị Huệ |