Những cánh chim không mỏi


Trái với sự trầm lặng của đời sống bên ngoài vì dịch Covid-19, những người làm công tác xã hội từ thiện ở Báo SGGP những ngày qua càng thêm tất bật, khẩn trương hơn. Ai nấy đều chung một ý nghĩ, ở ngoài kia nhiều người đang rất cần được hỗ trợ, sẻ chia kịp lúc.
Bà Dương Thị Lê (phường 4, quận 8) bị suy tim, tật hai tay, mưu sinh bằng nghề lượm ve chai chia sẻ cảm xúc với các mạnh thường quân. Ảnh: DIỄM MY
Bà Dương Thị Lê (phường 4, quận 8) bị suy tim, tật hai tay, mưu sinh bằng nghề lượm ve chai chia sẻ cảm xúc với các mạnh thường quân. Ảnh: DIỄM MY

Kết nối những tấm lòng

Tới thời điểm này, 950 phần quà của bạn đọc, các doanh nghiệp, mạnh thường quân đã được Báo SGGP trao gửi đến người lao động bị giảm thu nhập, mất việc làm ở các quận 8, 10, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè. Ngoài ra, hàng trăm bộ tăng võng cũng đang được gấp rút chuẩn bị gửi tặng bộ đội biên phòng các tỉnh phía Nam đang ngủ rừng, nhường nơi ăn chốn nghỉ cho đồng bào cách ly chống dịch…

Phía sau những con số tưởng chừng khô khan, là những bữa cơm gia đình đầy đủ hơn, là những nét lo toan trên khuôn mặt người đã được giãn ra một chút. Mỗi phần quà gồm 10kg gạo, chút mắm muối và một ít tiền, với người này người khác có lẽ chẳng đáng là bao, nhưng với những gia đình như anh Nguyễn Văn Lâm (huyện Nhà Bè) hay bà cụ Võ Thị Phấn (huyện Bình Chánh) là món quà quý. Anh Lâm còn trẻ, vốn là thợ cơ khí, nhưng tai nạn lao động làm anh mất đi đôi tay. Việc thì mất mà con cái vẫn phải ăn uống, học hành mỗi ngày, anh đành chọn cách ra đường bán vé số nuôi con. Bán được ngày nào ăn hết ngày ấy, có khi còn thiếu trước, hụt sau nên khi dịch bệnh xảy ra, cả nhà hoàn toàn mất đi thu nhập. Cụ Võ Thị Phấn còn đáng thương hơn, ở tuổi ngoài 80 vẫn hàng ngày bán vé số nuôi hai cháu nhỏ. Ngày thường đã không đủ ăn, xóm giềng phải cho cơm cho gạo để bà cháu đỡ đói lòng, nay lại gặp dịch, thất nghiệp. “Không có bà con và các đoàn thể cưu mang, bà cháu tui không biết lấy gì sống”, bà cụ Phấn mừng đến nghẹn ngào với phần quà được trao tận nhà. 

Nhớ lại thời điểm hơn một tháng trước, chị Lê Thị Hồng Nhung, Phó ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP, không quên sự khẩn trương hối hả của cả ban. Ngày 1-4 bắt đầu thực hiện cách ly xã hội, thì ngày 2-4, ban đề xuất Tổng Biên tập thực hiện chương trình hỗ trợ. Khi ấy cũng có ý kiến lo ngại, sợ làm việc tốt không khéo lại lây lan dịch bệnh, rồi thời buổi khó khăn như vậy có ai sẵn sàng mở hầu bao giúp người không. “Ban cứ triển khai, miễn làm sao cho an toàn là được”, chỉ đạo của Tổng Biên tập khiến mọi người thở phào và bắt tay vào thực hiện ngay. Đang ngày nghỉ, cơ quan chưa kịp ứng tiền, các chị ngồi gom góp mỗi người một ít, mượn cả người quen ứng trước, gọi điện khắp nơi để “xin tiền”, rồi đặt hàng, liên hệ địa phương để phối hợp trao quà, cố gắng làm gọn gàng để địa phương không thêm việc trong lúc đang căng mình chống dịch. “Một bên là những hoàn cảnh khó khăn cần tương trợ, một bên là những tấm lòng thơm thảo, chúng mình chỉ là người kết nối mà thôi”, chị Hồng Nhung nói. 

Động lực bền bỉ

Là những “người kết nối” như chia sẻ của chị Lê Nhung, cả hai phía - người gửi trao và người nhận lãnh - đều cho họ những cảm xúc tuyệt vời, là động lực bền bỉ để tiếp tục hành trình kết nối của mình. Cho tới giờ này, chị Nhung vẫn chưa gặp mặt người tốt bụng có tên Phan Hồng Tâm, chỉ biết anh làm việc ở Co.op Food (thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op). Hôm vội vã tìm nguồn hàng làm quà tặng, qua giới thiệu, biết anh Tâm là người quen của một chị trong ban nên chị Nhung liên hệ. Việc đã gần xong xuôi mà chẳng thấy anh Tâm nói chuyện tiền nong gì, hỏi ra mới biết anh đã bỏ hơn 40 triệu đồng tiền túi ra ứng trước rồi!

Chuyện âm thầm xuất tiền túi cho thêm khi đi tặng quà không phải chuyện lạ với chị Lý Việt Trung, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP. Chị chia sẻ, nhiều năm phụ trách công tác này, chị vẫn cảm động vô cùng trước những tấm lòng sẵn sàng cho đi và luôn đặt niềm tin ở Báo SGGP. Đó là một anh kỹ sư ngồi xe lăn, vẫn thường tự đến quyên góp cho những hoàn cảnh đăng trên báo mà kiên quyết không nhận bất cứ sự vinh danh nào. Hay các doanh nghiệp, người quen, cứ nghe tới chương trình của báo là sẵn sàng tham gia. Riêng các hoàn cảnh cần giúp, mỗi năm bạn đọc giúp chừng 4-7 tỷ đồng. Số tiền này được báo trao tận tay và thông tin cho bạn đọc.

Chị Việt Trung chia sẻ, Báo SGGP luôn coi công tác xã hội từ thiện là một trong 3 trụ cột của tờ báo, bên cạnh nội dung thông tin tuyên truyền và kinh tế báo chí. Không chỉ góp phần chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo mà tờ báo cũng luôn đi đầu trong vinh danh, nâng bước những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố và cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục