Những “cơn ác mộng” của châu Âu

“Sự an toàn của Liên minh châu Âu (EU) đang bị thử thách hơn bao giờ hết” - đó nhà nhận định trong bài viết được đăng tải trên website của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) - viện nghiên cứu về châu Âu có trụ sở tại London, Anh.

 

 

Người dân Đức biểu tình phản đối việc chính phủ nước này tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn. (Nguồn: Al Jazeera)
Người dân Đức biểu tình phản đối việc chính phủ nước này tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn. (Nguồn: Al Jazeera)

Bài viết nhận định EU hiện phải đối mặt với những thách thức an ninh từ phía Đông, phía Nam và một đồng minh khó lường ở phía Tây. Ở phía Đông, những hiềm khích giữa châu Âu với Nga ngày một gia tăng. Châu Âu luôn cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề chính trị của mình, từ can thiệp có chủ ý trong các cuộc bầu cử đến tấn công mạng các công ty, hệ thống của châu Âu. Xa hơn nữa về phía Đông là một Trung Quốc tiếp tục làm sâu sắc thêm ảnh hưởng đối với các quốc gia thành viên EU thông qua thương mại và đầu tư khiến EU phải lo lắng. Ở phía Nam, các quốc gia châu Âu đang phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ - một đối tác “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” - trong nhiều vấn đề mà nổi bật là di cư và chống khủng bố. Trong khi đó, xung đột, nghèo đói và dòng người di cư từ phía bên kia Địa Trung Hải ngày càng thách thức an ninh, thậm chí cả sự đoàn kết của EU. 

Nhưng đáng lo hơn cả là ở phía Tây, nơi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện sự coi thường đối với các thỏa thuận quốc tế và các giá trị châu Âu luôn theo đuổi. Bằng việc rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) về chương trình hạt nhân Iran và tấn công hệ thống thương mại quốc tế thông qua việc áp đặt thuế quan, ông Donald Trump đã làm lung lay niềm tin bấy lâu nay của châu Âu về cách thức giải quyết bất đồng, bảo vệ lợi ích thông qua ngoại giao. Các nhà lãnh đạo của châu Âu giờ lo sợ việc bảo đảm an ninh xuyên Đại Tây Dương sẽ không còn dựa trên sự hợp tác của các liên minh, lợi ích chung mà dựa vào việc mua công nghệ, tài sản Mỹ và tuân theo một vị tổng thống không thể đoán trước.

Bức tranh toàn cảnh trên khiến châu Âu lo lắng là điều dễ hiểu. Nhưng điều đáng lo ngại là châu Âu bị chia rẽ trong việc xử lý các thách thức trên. Cuộc khủng hoảng chính trị xung quanh vấn đề di cư từ năm 2015 đến nay đã phơi bày sự thiếu đoàn kết của các thành viên trong khối, khiến nhiều quốc gia thành viên EU nghi ngờ về khả năng bảo vệ họ của EU. Nguy hiểm hơn, không chỉ dừng lại ở sự chia rẽ giữa những quốc gia thành viên, các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia châu Âu đã chứng kiến nhiều cuộc chiến khốc liệt giữa một bên là đảng phái chính trị ủng hộ chương trình nghị sự mở, tiến bộ, hội nhập toàn cầu với một bên là phong trào chính trị mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc, hướng nội và chống EU. Những người theo chủ nghĩa dân tộc lập luận rằng, các chính phủ ủng hộ đa phương hóa của EU hiện không bảo vệ, đảm bảo được cuộc sống của công dân mình. Điều này đã đặt ra thêm một thách thức cho EU đó là sự cần thiết đảm bảo an toàn cho công dân - vốn là trách nhiệm của mọi quốc gia - phải được đẩy mạnh hơn nữa. 

Có thể nói, trong môi trường chính trị nhiều biến động hiện nay, EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các đe dọa đối với an toàn của EU như những “cơn ác mộng” khiến châu Âu “giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya”. Và câu hỏi được quan tâm hiện nay là châu Âu sẽ làm gì để đón “mộng lành”?.

Tin cùng chuyên mục