
Trong suốt mấy ngày qua (khai mạc 22-10), từ sáng đến tối, Nhà hát Thành phố luôn sôi nổi, tấp nập bởi sự hiện diện của đông đảo các nghệ sĩ, ca sĩ và khán giả.Thời gian 5 năm/lần đủ khiến cho hội diễn có một sức “nóng” lan tỏa…

Hội diễn đã đi được gần nửa chặng đường với sự trình diễn của 8 đoàn nghệ thuật: Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh, Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc tỉnh Đắc Lắc, Đoàn nghệ thuật Đam San Gia Lai, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Đoàn Ca Múa Nhạc Tổng hợp tỉnh Bình Phước, Đoàn Ca Múa Hải Phòng, Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc tỉnh Quảng Ngãi. Cảm xúc của khán giả đã có dịp vỡ òa trước ấn tượng của các chương trình nghệ thuật mang đậm chất chuyên nghiệp ở hội diễn.
Nổi bật nhất từ đầu đến giờ là Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương. Biểu diễn ngay trong đêm khai mạc, chương trình “Thoáng quê hương” đã tạo cho khán giả những bất ngờ về mặt bố cục, sự liên thông giữa các tiết mục và vẻ đẹp trong kết cấu tổng thể chương trình. “Cung đàn đất nước” của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam cũng không kém phần hoành tráng. Với chủ đề rộng, đoàn đã mang đến hội diễn những tiết mục mang tầm khái quát với những điệu múa đậm tính nghệ thuật như “Hạt thóc vàng”, “Hò biển” và “Sắc màu Tây Nguyên”.
Chất núi rừng Tây Nguyên đậm đặc nhất vào sáng chủ nhật (23-10) với sự trình diễn của 2 đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắc Lắc và Đoàn nghệ thuật Đam San Gia Lai. Những điệu múa của đoàn Gia Lai đã thổi vào hội diễn hơi thở của cuộc sống buôn làng Tây Nguyên, một vẻ đẹp như nằm ngoài bàn tay dàn dựng của người nghệ sĩ.
Những tiết mục như lời của NSƯT Y Moan: “Lời chào của những “cây cổ thụ” tham gia lần cuối cùng trước khi nhường chỗ cho những nghệ sĩ trẻ tiếp nối”. Cũng nét đặc sắc về dân tộc Tây Nguyên, nhưng điểm nhấn của đoàn Đam San lại là nhạc cụ dân tộc trở thành đạo cụ trong các tiết mục múa của đoàn.
Chính sự hoành tráng của các đoàn lớn đã khiến cho những đoàn nhỏ xếp diễn chung có phần lép vế. Tuy nhiên, mỗi đoàn cũng đã tạo cho mình một thế mạnh riêng. Dễ nhận thấy nhất đó là dấu ấn của mỗi vùng miền được các đoàn mang đến với hội diễn: Một Hải Phòng rực đỏ màu hoa phượng, với nhịp sống trẻ trung, sôi động của người dân thành phố biển (Đoàn Ca Múa Hải Phòng); một Trà Vinh với những lời ca và điệu múa truyền thống của người Khmer, với sự tích của Ha Nu Man, nàng Sê Đa vốn rất quen thuộc với khán giả (Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh)…
Nhóm PV VHVN