Linh hồn của nhà cổ
Mắt cửa hay còn gọi là Môn thần thể hiện cho khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro, không cho tà ma xâm phạm vào nhà, gây gia đình xào xáo, làm ăn thất bại… Đa phần người Hội An cho rằng, mắt cửa trước nhà được coi như "mắt thần" canh giữ cho ngôi nhà.
Ông Trần Tấn Mân, chủ nhân ngôi nhà cổ số 87, đường Trần Phú, TP Hội An cho biết: Đôi mắt cửa biểu hiện như tình cảm của con người. Đôi mắt như chiếc gương bát quái, đem lại sự bình yên cho gia đình và khu phố.
Nhà cổ Quân Thắng là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa. Nhà cổ Quân Thắng là điển hình của loại nhà thông hai mặt, tiếp giáp đường Trần Phú và Nguyễn Thái Học. Theo chủ nhân của ngôi nhà cổ này, mắt cửa của ngôi nhà được giữ gìn gần như nguyên vẹn qua hàng trăm năm. Mắt cửa nhà cổ Quân Thắng được điêu khắc theo hình đóa hoa cúc, được trang trí thêm vải đỏ bắt mắt.
Theo chị Diệp Ái Phương (thế hệ thứ 7 của nhà cổ Quân Thắng, TP Hội An), ông bà thời xưa kể lại, đôi mắt cửa là linh hồn của ngôi nhà, trừ bỏ những điều xấu trong gia đình. Quan niệm rằng con người có mắt nên ngôi nhà cũng phải có mắt. Mỗi ngôi nhà có cách bài trí mắt cửa khác nhau như tròn, lục giác, bát giác, riêng ngôi nhà mình ở trang trí theo hình tròn, chạm khắc như đóa hoa.
Khách tản bộ trên phố cổ Hội An thường tò mò nhìn vào các mắt cửa ở mặt tiền nhà cổ. Bất giác như có người dõi theo từng bước chân du khách và cùng với thanh chắn cửa nơi bậc thềm nhắc nhở những người ra vào nhà, phố cổ về phép ứng xử. Người tử tế thì thấy đó là đôi mắt thân thiện, tươi vui chào đón họ. Người có tâm không tốt sẽ có cảm giác những đôi mắt ấy đang dõi theo mọi hành vi của mình.
Vẻ đẹp không trùng lặp
Đến nay vẫn có nhiều cách lý giải về tục trang trí mắt cửa ở phố cổ Hội An. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những người Hoa đến Hội An từ các thế kỷ 17 - 18, là chủ nhân của những “đôi mắt phố cổ”.
Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, tục thờ mắt cửa và trang trí, chạm khắc mắt cửa với dân gian thì người ta nói đó là vạn vật hữu linh. Sâu xa hơn phải nói đây là biểu hiện của giao lưu và kết biến văn hóa, đặc biệt là văn hóa với Trung Hoa ở Việt Nam do những thương nhân Trung Hoa đến định cư và lập nghiệp ở Hội An.
“Đây là tục thờ Môn thần, là thần giữ nhà, giữ đền. Thường ở trong văn hóa Trung Hoa gốc được biểu hiện bằng cách tạc tượng Môn thần trước cửa nhà, thứ 2 là chạm trổ phù điêu, thứ 3 là dán những bùa bằng giấy, tranh vẽ. Tục thờ tại Hội An được giản lược rồi dần trở thành đôi mắt cửa. Ở Hội An có sự đa dạng phồn thể, biến thể của mắt cửa trong quan niệm phong thủy, kinh dịch. Ví dụ như gia chủ sinh ra giờ nào, năm nào thì phù hợp với loại mắt cửa như thế nào. Điều này tạo ra sự đa dạng, có thể nói là độc đáo của Hội An so với nhiều đô thị cổ ở Đông Nam Á”, nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông phân tích.
Còn theo Phòng Quản lý di sản TP Hội An cho rằng, không có đôi mắt cửa nào giống nhau hoàn toàn. Có thể nói hiện nay, Hội An có hơn 200 mẫu mắt cửa khác nhau. Nhưng xét về những nét tương đồng nhất thì hiện có 29 loại mắt cửa. Trong đó, mắt cửa sử dụng trong nhà gỗ có 17 loại.
Dù Hội An nay hội nhập nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, giữ cội nguồn, văn hóa vốn có. Người Hội An vẫn giữ những phong tục rất xa xưa, truyền qua nhiều thế hệ tạo nên bản sắc riêng của Hội An. Những ngôi nhà, mắt cửa đều là những vẻ đẹp riêng như lời nhận xét của cố KTS Kazik (người Ba Lan): "Hội An có vẻ đẹp không trùng lặp”.
Trải qua những biến thiên thăng trầm, thịnh suy những đôi mắt của phố cổ vẫn còn đó, là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của Hội An. Đôi mắt cửa giúp cư dân phố Hội nhìn mình, nhìn đời, răn dạy con cháu trong ứng xử, lối sống.