Những “dũng sĩ” thoát nghèo

Những “dũng sĩ” thoát nghèo

1. Cuối năm, theo chân ông Nguyễn Văn Quang, tổ trưởng dân phố 4, khu phố 7, phường Thới An quận 12, chúng tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Bé (66 tuổi), ngụ tại số 57/B1 đường TA09. Vừa đến cửa đã thấy bác Bé quần ống thấp, ống cao loay hoay dọn dẹp đồ đạc, vật dụng trong nhà.

Nhận ra có khách, bà bước nhanh ra đầu hè với vẻ mặt niềm nở. “Mời chú vô chơi, mấy đứa con, đứa cháu đi làm hết, nhà cửa bề bộn quá”, chủ nhà vừa kéo ghế vừa nói. Nhìn căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi ít ai biết rằng cách đây gần chục năm, gia đình này từng trải qua tình cảnh chạy ăn từng bữa.

Từ năm 2003 trở về trước cả gia đình 5 người sống chủ yếu dựa vào thửa ruộng, nuôi heo thịt và trồng cây thuốc lào. Tuy nhiên thu nhập rất bấp bênh do thiếu vốn, thường xuyên phải vay mượn, lấy đầu này đắp đầu kia. Hàng chục năm trời lam lũ tưởng chừng cái nghèo không buông tha, bà Bé nghe được thông tin địa phương đang triển khai chương trình hỗ trợ hộ nghèo vay vốn làm ăn. Ngay sau đó, gia đình ra UBND phường làm thủ tục xin vay số tiền 5 triệu đồng, đó là vào đầu năm 2004.

Anh Đặng Văn Quân đang hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân. Ảnh: Sỹ Luân

Anh Đặng Văn Quân đang hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân. Ảnh: Sỹ Luân

Có vốn trong tay, bà Bé quyết định đi thuê đất ruộng trồng cây rau nhút, một loại rau được thị trường ưa chuộng và có sức tiêu thụ mạnh. Người chăm sóc đất, đất không phụ người, 1 năm sau ruộng rau nhút của gia đình bà phát triển khá tốt và mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.

Từ một đám rau nhỏ trồng thí điểm trên vài chục mét đất, đến nay đã lan rộng đến 5.000m2. Mỗi tháng bà thu hoạch 20 lần, bán sỉ cho các đầu mối, trừ chi phí còn dư 3 – 4 triệu đồng. Đầu năm 2005, bà Trần Thị Bé trả xong số tiền vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo.

Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng rau nhút xanh um, bà Bé tâm sự: “Cả nhà tôi giờ sống nhờ vào cây rau này, còn sức lực ngày nào tôi quyết tâm cùng các con ra sức chăm bón”.

Ông tổ trưởng Nguyễn Văn Quang nói với vẻ tự hào: “Tôi làm tổ trưởng dân phố đã 15 năm. Trước đây khu phố này rất nhiều hộ nghèo, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, đã cơ bản thoát nghèo nhờ vào sự quan tâm của nhà nước cho vay vốn để tăng gia sản xuất. Cuộc sống ổn định được nâng lên rõ rệt, có hộ nhà cửa khang trang, có tới 2 hoặc 3 xe máy. Trong đó, gia đình bà Bé là gương điển hình và đang là “nhà cung cấp” rau nhút có tiếng tại địa phương”.

2. Rời nhà bà Bé, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Quân (42 tuổi) ở số 131/19/5 đường HT42 khu phố 4, phường Hiệp Thành. Mặc dù đang bận rộn với lô hàng gấp cuối năm, nhưng anh Quân vẫn dành thời gian tâm sự với chúng về quãng thời gian mưu sinh gian nan nhưng rất thấm đậm ý nghĩa cuộc sống. Năm 1 tuổi, trận sốt đã làm chân phải anh bại liệt và bị dị tật. Bỏ qua mặc cảm, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh đi học nghề may. Chăm chỉ, cặm cụi bên chiếc máy may cũ kỹ suốt thời gian dài và chỉ đủ kiếm gạo sống qua ngày. Tuy vậy, khát vọng đổi đời vẫn không ngừng trong lòng người thanh niên tật nguyền cần cù. Năm 1994, anh Quân từ giã quê hương Quảng Ngãi xuôi Nam lập nghiệp với đôi chân dị tật và chiếc xe đạp.

Nhờ đức tính chịu khó và cần kiệm, sau thời gian làm công nhân ở một công ty may tại TPHCM, anh Quân dành dụm được chút ít vốn liếng. Năm 2001, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh đánh bạo vay thêm bên ngoài số tiền 30 triệu đồng (lãi suất 10% tháng) cộng với số tiền dành dụm được mua miếng đất giá rẻ cất nhà đồng thời sắm sửa máy may, nguyên liệu mở một cơ sở gia công túi xách ngay tại căn nhà nhỏ của mình.

Năm 2008 sau khi được xét duyệt vào diện hộ nghèo, anh Quân làm đơn xin vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo địa phương 30 triệu đồng. Một phần tiền vay dùng trả nợ bên ngoài, phần còn lại mua thêm 2 máy may mở rộng sản xuất. Đến cuối năm 2010 cơ sở may của anh không những thu nhập ổn định với số lãi 40-50 triệu đồng/năm mà còn giải quyết được việc làm cho một số lao động nghèo tại địa phương.

Nhận xét về những tấm gương tiêu biểu cho khá nhiều hộ gia đình đang ngày một vươn lên bằng sức lao động chân chính của mình, ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND quận 12 phấn khởi cho biết: “Những hộ gia đình nói trên là minh chứng sinh động cho sự thành công bước đầu của chương trình giảm nghèo mà địa phương đang thực hiện. Chúng tôi rất tin tưởng và sẽ ngày càng có thêm nhiều hơn nữa những tấm gương vượt khó như vậy”.

Mai Nguyễn - Đức Cường

Tin cùng chuyên mục