Sau “thảm họa” dịch thuật năm 2005 từ tiểu thuyết “Mật mã Da Vinci”, nay lại xảy ra một thảm họa mới về dịch thuật gây nhức nhối dư luận, từ bạn đọc đến những người làm sách, cơ quan xuất bản.
Lỗi ngớ ngẩn
Khi cuốn sách “Mật mã Da Vinci” bản dịch tiếng Việt đứng tên dịch giả Đỗ Thu Hà xuất hiện đã gây sửng sốt với những ngôn từ kỳ lạ trong sách, kiểu “Nhà thờ đi vòng quanh bức tượng… và ca hát”, sao một thực thể kiến trúc lại biết đi, lại còn ca hát?! Rất nhiều lỗi đã được nêu ra và điều đáng nói, chính dịch giả cũng không biết biện minh thế nào vì lỗi quá ngớ ngẩn. Kết quả, đơn vị xuất bản đã phải thừa nhận lỗi và thu hồi sách để sửa chữa.
Sau sự kiện đó, vẫn còn nhiều sai sót, lỗi lầm dịch thuật khác được nêu ra, kiểu tác phẩm “Buồn ơi chào nhé” (Bonjuor Tristesse) của Francois Sagan thì lại được dịch thành “Nỗi buồn muôn năm”... “Cuốn theo chiều gió” (Gone with the wind) của Margaret Mitchell được dịch thành “Theo gió cuốn đi”…
Mới đây, việc cuốn “Bản đồ và vùng đất” của Nhã Nam bị lỗi dịch thuật đã gây choáng dư luận. Đây là tác phẩm nổi tiếng thế giới của nhà văn Pháp Michel Houellebecq, đoạt giải Goncourt năm 2010, bản dịch tại Việt Nam của dịch giả Cao Việt Dũng. Chính Nhã Nam đã phải thừa nhận: “Sách dịch để lại nhiều lỗi, thuộc nhiều loại khác nhau: dịch sai nghĩa, dịch chệch nghĩa, dịch sót, diễn đạt tiếng Việt có nhiều bất ổn. Số lượng lỗi này cao hơn so với chuẩn biên tập, vượt quá số lỗi tối đa cho phép để sách có thể được lưu hành”.
Kết quả, đơn vị phải tự thu hồi để chỉnh sửa, giống như NXB Văn hóa Thông tin đã phải làm năm nào. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu Nhã Nam và dịch giả Cao Việt Dũng gặp sai sót, trước đó, bản dịch cuốn “Hạt cơ bản” cũng từng gây lùm xùm với những lỗi kỳ lạ về dịch thuật như kiểu: “Bố em mất cách đây hai tuần… Ung thư tử cung”?!
Do tắc trách, cẩu thả!
Nhiều bạn đọc còn lên tiếng phê phán cả bản dịch tác phẩm “Lolita” (cũng do Nhã Nam thực hiện) của dịch giả Dương Tường, một trong những dịch giả uy tín nhất trong nước hiện nay. Tuy nhiên, Dương Tường đã giải thích, trả lời bạn đọc với tinh thần trách nhiệm cao. Một tác phẩm dịch có thể hay dở tùy đánh giá của bạn đọc nếu chỉ do cách hiểu khác nhau trong việc chuyển ngữ. Nhưng nó sẽ trở thành “thảm họa dịch thuật” nếu để xảy ra những lỗi ngớ ngẩn kể trên vì đó không phải là “vấn đề của dịch thuật” mà là sự tắc trách, cẩu thả của dịch giả, sự yếu kém và thô thiển trong khâu biên tập. Hay nói cách khác là việc thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp trong công tác xuất bản của đơn vị làm sách.
Để bạn đọc “ê răng” vì những hạt sạn khi thưởng thức sách dịch, mà trên hết là làm giảm uy tín của một nền xuất bản Việt Nam tiên tiến trên bước đường hội nhập, đơn vị có danh nghĩa pháp lý đứng ra tổ chức xuất bản rõ ràng phải chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần xử lý triệt để những vụ việc vi phạm, đặc biệt phải chế tài mạnh những trường hợp làm biến dạng, méo mó nội dung xuất bản phẩm, gây phản cảm khi phổ biến rộng rãi ngoài xã hội.
TƯỜNG VY