Những lần đầu đáng nhớ

Trong một hành trình mà phần lớn là những người lần đầu đến với quê Bác, đến với Hà Tĩnh mình thương, với quê hương của hò khoan Lệ Thủy, tình cảm ấy dễ gì đong đếm được. Và chúng tôi đã có những ngày đáng nhớ như thế… 

Học Bác từ những điều bình dị

Trong đoàn hành trình “Sáng mãi niềm tin”, có lẽ NSND Trà Giang là một trường hợp đặc biệt. Đây không phải lần đầu bà đến với dải đất miền Trung, mà bà xuất hiện với một vai trò khác - một nhân vật đã từng gặp Bác.

“Tôi đã từng đến quê Bác, thăm ngôi nhà của cha mẹ Bác cách đây 20 năm, khi dự liên hoan phim. Nhưng lần này cảm giác thật khác, vì tôi có mặt trong một hành trình của những điển hình học tập tấm gương, đạo đức và phong cách của Bác - hành trình của những người đồng trang lứa và của rất nhiều những bạn trẻ hơn đang nỗ lực học theo Bác mỗi ngày”, bà chia sẻ. Có lẽ, không có không gian nào thích hợp hơn để kể về kỷ niệm với Bác như tại làng Sen. NSND Trà Giang cảm động, không chỉ trong giọng nói run run mà trong cả tâm khảm của bà khi kể về bài học mà những lần ngắn ngủi bên Bác bà học được. 

Những lần đầu đáng nhớ ảnh 1 Đoàn hành trình “Sáng mãi niềm tin” tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
Một lần gặp mặt, Bác hỏi: “Làm diễn viên, các cháu học những gì? “Chúng cháu học làm tiểu phẩm, học vũ, nhạc”. “Học tiểu phẩm là thế nào, là kịch nhỏ, sao không nói kịch nhỏ mà là tiểu phẩm. Còn nữa, học múa chứ không phải học vũ. Các cháu phải dùng tiếng Việt để thêm yêu quê hương mình”.

Rồi lần đóng xong phim Chị Tư Hậu, NSND Trà Giang lại có dịp gặp Bác. Sau đó, là cùng xem một phim tài liệu về Mátxcơva, về liên hoan phim bên đó. “Tôi hồn nhiên kể là diễn viên Tây diện lắm Bác ạ, ai cũng đẹp. Bác quay lại nói ngay -  Bác nghĩ các cháu cứ mặc áo dài Việt Nam, người ta biết mình là người Việt Nam, không cần diện như những cô đầm - Tôi nghe mà thấm thía lời dạy của Bác đến tận bây giờ…”. 

Từ lúc làm diễn viên, làm phim rồi họa sĩ, có lẽ NSND Trà Giang luôn tâm niệm lời dạy của Bác về giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, để thể hiện qua các tác phẩm của mình. Bà nói: “Một dân tộc luôn có một bản sắc riêng và bản sắc đó phải luôn có tính kế thừa. Những năm kháng chiến, lứa tuổi chúng tôi trưởng thành trong gian khổ, làm phim không dám nhận hay nhưng phim mình làm mang bản sắc của dân tộc, tình cảm của dân tộc từ những người làm phim trung thực”. Nói đến đây, người nữ nghệ sĩ lại quay về trăn trở với nghề: “Thế hệ bây giờ làm phim thuận lợi hơn. Trước cần quay kỹ xảo nhưng không có máy móc, thiếu đủ thứ. Nay, kỹ thuật kỹ xảo có cả và cái khán giả đòi hỏi là làm được bộ phim đem lại bản sắc văn hóa dân tộc. Người làm nghệ thuật phải phấn đấu làm được điều đó”. 

Học theo Bác chắc chắn không cần phải là những phần việc quá sức, đao to búa lớn, mà học theo Bác chỉ cần là những việc gần gũi nhất nhưng đem lại hiệu quả. Chúng tôi đã thấy được điều đó ở ông Nguyễn Đình Châu, một trong những thành viên lớn tuổi nhất đoàn.

Chia sẻ nhiều về tổ dân phố 82, phường 26 quận Bình Thạnh, ông kể: “Quận Bình Thạnh chọn tổ chúng tôi làm đơn vị điểm học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác và tổ chúng tôi liên tục dẫn đầu phong trào. Tôi hoan nghênh lắm, chủ trương triển khai học tập đại trà trong toàn bộ tổ dân phố của quận. Sau khi học tập, chúng tôi có bản đăng ký những việc học tập theo, không cần to tát mà sát với việc địa phương nên thật sự có ích. Có ích nhất chính là từ việc học tập đó, đã có sự đoàn kết giữa các hộ gia đình, trước có hộ cận nghèo, giờ có tình làng nghĩa xóm nên hết nghèo rồi. Ai cũng ý thức việc chung của tổ dân phố nên có nhiêu sức lực là góp sức ngay”.

Ông tâm sự thêm: “Tôi nói thiệt, lần đầu thăm quê Bác, thấy làng quê mộc mạc giản dị mà thương. Từ đó lại thấy mình và đồng đội, đồng chí càng phải cố gắng hơn. Tổ tôi sau mỗi buổi họp, đều nảy ra được nhiều ý tưởng mới, không cần gì to tát, chỉ là đường phố vệ sinh sạch sẽ, bà con ý thức đi họp đúng giờ… đã là học theo Bác hiệu quả. Điều đó thật đáng quý”. 
Đi, trở về và cống hiến

“Sau hành trình ý nghĩa này, tôi thấy mình vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, sống khiêm tốn, rèn luyện đạo đức, có trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ người đảng viên”, đồng chí Nguyễn Bích Lan, Bí thư chi bộ, Trưởng Đài Truyền thanh huyện Cần Giờ, chia sẻ. Với chị Bích Lan, nơi đâu trong chuyến đi này cũng là nơi đầu tiên chị được biết đến. Chị lặng người, bồi hồi khi về với quê ngoại làng Hoàng Trù, quê nội Làng Sen của Bác. Được nhìn ngắm những kỷ vật thiêng liêng từng một thời gắn với tuổi thơ của Người, từ bộ ván gỗ, nơi nghỉ ngơi của người thân trong gia đình Bác; đến những chiếc tủ nhỏ đựng thóc, gạo, ấm chén... thực sự cảm thấy gần gũi, thân thuộc và bình dị.

“Khi cùng đoàn dâng hương, dâng hoa và báo công với Người tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi càng hiểu thêm sự thanh tao của một con người chỉ sống để yêu thương, dâng hiến và quên mình vì dân tộc của Bác”, chị bày tỏ.

Trong những ngày cùng hành trình “Sáng mãi niềm tin”, có lẽ với nhiều người, họ đã được trải nghiệm những giây phút thực sự xúc động. Trong đoàn, bên cạnh các anh chị còn đang công tác, có không ít các cô chú, dù đã hưu trí nhưng vẫn tinh tường, sức chiến đấu, sức làm việc thật đáng nể. 

Bà Lê Thị Liên Minh (74 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tân Quy, quận 7) bày tỏ: “Nói sao hết cảm xúc tràn đầy khi được tận mắt thấy từng tấc đất của quê hương Bác, nơi đâu cũng thân thương và anh hùng. Tôi không sao cầm nước mắt khi được xem, nghe về sự ác liệt tại Ngã ba Đồng Lộc, sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ nơi đây. Một chuyến đi đúng nghĩa để thấy, ngẫm và để tự mình phải xác định cần cố gắng hơn, cống hiến hơn nếu còn sức lực”.

Không ít thành viên trong đoàn đã có cùng cảm nhận rằng chuyến đi là một trải nghiệm vô cùng quý giá, mang năng lượng tích cực để mọi người làm tốt công việc của mình, như chia sẻ của ca sĩ Phạm Thế Vỹ, Phó trưởng Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TPHCM: “Qua chuyến đi, được chứng kiến, gặp gỡ những điển hình, tôi càng vững niềm tin rằng vẫn còn rất nhiều những con người tử tế và tận tâm với đất nước, đang ngày đêm âm thầm hy sinh để cho Tổ quốc được bình yên và phát triển”.

Những ngày tháng 5, đoàn công tác gồm hơn 80 đại biểu là các gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là những đại biểu tiêu biểu, đại diện các giới, các ngành, đại biểu dân tộc, tôn giáo trên địa bàn TPHCM, tham gia hành trình “Sáng mãi niềm tin” tại ba tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Chương trình do Thành ủy TPHCM chỉ đạo tổ chức, giao Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chịu trách nhiệm về nội dung, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) chịu trách nhiệm tổ chức hành trình. 

Đây là hành trình về thăm quê Bác đầu tiên trong 10 chuyến về nguồn được tổ chức từ nay đến tháng 8-2019, nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019). Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, từ năm 2011 đến nay, TPHCM có hơn 26.860 gương tập thể và cá nhân được biểu dương cấp cơ sở, 1.014 tập thể và 1.571 cá nhân được biểu dương cấp thành phố. Từ các gương điển hình đó, thành phố đã chọn ra 800 thành viên tham gia hành trình “Sáng mãi niềm tin” năm nay. 

Tin cùng chuyên mục