Những người “nhiều chuyện” đáng yêu

Những người “nhiều chuyện” đáng yêu

Vất vả đời xe ôm, nhọc nhằn đời cửu vạn... , hình như mảnh đời, mẩu sống bé nhỏ nào trong cái nong đời mênh mông này, anh nhà báo cũng có thể đãi ra để cùng khóc cười, sướng khổ với từng số phận. Viết về người cực giỏi hoặc người tận khổ coi vậy mà… khỏe, ít ra cũng dễ tìm được những cái “nhất” mà tung hứng. Lần này, đứng trước “đối tượng” là một lực lượng hùng hậu hàng trăm ngàn tổ trưởng tổ dân phố đằng đẵng mấy mươi năm công tác không lương, tôi thật sự lúng túng...…

  • Chuyện nhà người như chuyện nhà mình

Những người “nhiều chuyện” đáng yêu ảnh 1

Ba mươi năm nay, bác Nguyễn Văn Đực, tổ trưởng tổ 42, ấp 2, phường An Lợi Đông, quận 2 vẫn chân đất lội sình đến từng nhà trong tổ.

Đến nhà bác Trà, tổ trưởng tổ 4, phường 3, quận 5, trình bày mục đích “viết gương điển hình tiên tiến”, ngồi chưa ấm chỗ, tôi đã thấy bà chạy vào buồng, xỏ vội cái quần đi phố. Trở ra, bà hỏi:

- Cô có máy ảnh không?

- Có ạ! Tôi đáp, và tròn mắt ngạc nhiên: trong “lịch sử phỏng vấn”, chưa thấy ai “đòi” chụp hình trước khi nói chuyện.

- Cô đi với tôi, nhanh!

Bà gấp gửi đi trước. Tôi tiếp bước theo sau. Qua 2 lần đèn đỏ, chúng tôi dừng chân trước cổng Trường Tiểu học Bàu Sen. Bà trỏ tay sang bên kia đường, thì thầm:

- Đấy, cô xem! Họ trương cái biển quảng cáo kia có chết bọn trẻ con không cơ chứ. Cô con gái thì đứng tơ hớ, mặc hở rốn, hở lưng, hai cậu thanh niên đứa hôn… bụng, đứa ôm đầu. Cô chụp hộ cái ảnh, gọi là có tiếng nói của báo chí. Nhanh nhanh lên nhé, bên này là tổ 3, không phải tổ tôi đâu.

Tròn mắt lần thứ hai, tôi vâng lời bấm liền mấy kiểu. Xong đâu đấy, hai bác cháu lóm thóm ôm máy ảnh về. Trên đường, bà tỉ tê: Cái biển có lâu rồi, chướng lắm. Chúng tôi nói suốt mà chả ai nghe. Ở trường, thầy cô khan cổ dạy bọn trẻ, tan học, đập mắt vào cái biển ấy thì về nhà chúng chỉ nhớ mỗi thứ ấy thôi. Công thầy thành công toi, cô ạ!…

Và mấy tấm ảnh chụp biển quảng cáo ấy là thứ duy nhất mà máy hình tôi thu được trong lần gặp bà. Bà cương quyết không chịu chụp ảnh, không chịu lên báo. Tôi mang ảnh về, không viết bài mà hì hụi viết tin… “đường dây nóng”.

Những người “nhiều chuyện” đáng yêu ảnh 2

Bà Thái Thị Kim Tường (người đứng bìa trái) đi thăm thương binh nặng tại BV 175.

Có một câu chuyện khôi hài khác. Số là bác Nguyễn Văn Trọng, tổ trưởng tổ 46, khu phố 4, phường 7, quận Gò Vấp cứ hay gom giấy tờ nhà của bà con trong tổ đi sao trích hộ, đi đóng thuế, đi làm sổ đỏ, sổ hồng. Không thể tin được trên đời này lại có người rảnh rỗi suốt ngày đi chịu hộ người ta cái thủ tục “hành dân là chính”, nhiều người nghi ngờ hỏi ông:
- Cò hả, cha nội? - Đâu, tổ trưởng tổ dân phố, làm giùm thôi!

Tiếng trả lời rớt lại trên đường, đằng sau cái dáng đạp xe tong tẩy của người tổ trưởng già 70 tuổi.

  • Việc dễ mà không dễ

Công việc của tổ trưởng tổ dân phố mới nghe qua cực kỳ đơn giản: hàng tháng họp tổ 1 lần, thu đầy đủ mấy thứ quỹ theo pháp lệnh nhà nước, vận động quyên góp khi có thiên tai lũ lụt xảy ra. Ngoài ra còn những thứ việc vặt vãnh không tên khác như nhắc nhở người dân treo cờ, quét rác… Coi vậy mà không dễ!

Tổ 37, phường Bến Nghé, quận 1 của bác Thái Thị Kim Tường lúc nào cũng dẫn đầu cả khu phố về các khoản đóng góp. Hỏi bí quyết, bà cười: “Có phải đi thu một lần là được cả đâu. Quán bar, khách sạn là nơi thường diễn ra kịch bản: Sếp: đi vắng; Thủ quỹ: không có nhà; Nhân viên: không biết!

Đợi thì có mà đến… Tết Công gô. Những trường hợp như thế, tôi phải xuống giọng: “Các cháu làm thế nào, chứ người ta thấy cô ra vào đây mãi, họ bảo cô vào ăn của nhà giàu, tội cô! Đấy, mấy đứa xem, cô cũng góp hai trăm nghìn. Tiền này cho người nghèo, có phải cho cô đâu!..”. Nghe thế, con bé nhân viên lẳng lặng mở két”.

Có những tổ trưởng, để thu được đủ quỹ, phải theo đuổi một chiến dịch “rình rập, đeo bám” kiên trì. Như bác Phan Đình Chánh, tổ trưởng tổ 46, phường Bến Nghé, quận 1. Bất kể ngày nghỉ, giờ nghỉ, hễ thấy bóng dáng chủ nhà nào trong tổ đảo về thu tiền nhà trọ là bác “tóm” lấy thu quỹ ngay.

Bác tâm sự: “Không phải người ta cố tình ì ra, nhưng họ ở xa, nhà thì cho thuê, có khi điện thoại giục về đóng cái quỹ dự phòng lụt bão có 3 nghìn thì tiền điện thoại mình đã mất hơn 3 ngàn đồng, chưa kể ai nấy đều nhờ “bác đóng hộ nhà em”. Có lần tôi phải đem 16 triệu đồng tiền nhà ra đóng trước cho cả tổ”. Ấy vậy mà không ít người còn mỉa mai ông là người suốt ngày đi xin tiền thiên hạ.

  • Những tấm lòng phố thị

Những người “nhiều chuyện” đáng yêu ảnh 3

Bác Châu Huỳnh Sanh.

Kết thúc mỗi cuộc trò chuyện với những tổ trưởng có thâm niên ba chục năm ròng, tôi thường hỏi một câu cũ mèm: “Làm tổ trưởng, không quyền lực, không lương thưởng, ngẫm kỹ, các bác thấy mình có “được” gì không?”.

Câu trả lời đồng loạt là “có”: có nghĩa tình, có uy tín trước dân, kèm theo đó là những lý giải hết sức chất phác, thiệt tình. Nhớ nhất là câu nói của bác Châu Huỳnh Sanh, 82 tuổi, ở phường 6 quận 5: “Cô hỏi lương hả? Mỗi phường 6 của tui đã có chừng trăm rưởi tổ trưởng, tổ phó rồi. Cả thành phố, cả nước nhiều bộn đó. Nhà nước mình còn nghèo. Tui làm tổ trưởng, được cả khu phố nhớ tên, biết mặt, tôn trọng. Vậy là hạnh phúc lắm! “.

Câu nói thật nhiều dư âm. Được nhớ tên, biết mặt trong cái thời mà người ta dường như chỉ biết tất bật kiếm tiền rồi về nhà đóng sập cửa lại quả là một điều hạnh phúc.

Ở một góc độ nào đó, có lẽ cũng không quá khi nói rằng, ở thành phố, tổ trưởng là người vá khâu những lỗ thủng tình cảm, làm nồng lại những lợt lạt xóm giềng, thít chặt hơn đời sống cộng đồng mà cơ chế thị trường đang có xu hướng bứt rời từng cá nhân rồi ném mỗi người về một phía. Còn với tôi, đơn giản hơn, tổ trưởng tổ dân phố quả đúng là những người nhiều chuyện… đáng yêu!  

ĐOÀN MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục