
Khi bắt đầu công việc, họ xác định phải hết lòng cống hiến bởi đấy là chén cơm manh áo cho mình và gia đình. Rồi tình yêu nghề, yêu nơi làm việc thấm dần giúp họ có thêm động lực phấn đấu, sáng tạo vì lợi ích chung của tập thể. Chính sự tìm tòi học hỏi đã giúp họ cho ra đời nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.
Luôn học hỏi nâng cao tay nghề
Ai lần đầu tiếp xúc cũng nhận ra ở chị Nguyễn Thị Lan, tổ phó dây chuyền sản xuất, Công ty TNHH Sản xuất bao bì kim loại và in trên kim loại (KCN Tân Tạo, TPHCM) tính nhiệt tình và thật thà, bởi nó hiện ra trong từng lời nói và hành động của chị. 14 năm trước, khi bản thân không có lấy một nghề và trình độ chỉ đến lớp 5, chị Lan đến xin việc làm công nhật tại công ty. Vì không biết nghề nên ai nhờ gì chị làm nấy, ai dạy gì chị cũng học. Với tính siêng năng, ham học và sự nhiệt tình, chị được đồng nghiệp quý mến và tận tình truyền nghề. Sau 1 năm, thấy chị đủ năng lực, công ty nhận chị làm công nhân chính thức và giao đứng máy. Từ khi được làm công nhân, chị càng chuyên tâm học hỏi nâng cao tay nghề. “Việc gì đã biết thì tôi cố hoàn thành, việc gì chưa hiểu thì không ngại hỏi đồng nghiệp”, chị Lan chia sẻ.

Anh Đinh Văn Công nhận bằng khen của LĐLĐ TPHCM trong buổi tuyên dương điển hình tiên tiến.
Nhìn thấy ở chị tinh thần trách nhiệm, chịu khó nên 1 năm sau, chị được bầu làm chuyền trưởng và sau đó được tín nhiệm bầu làm tổ phó dây chuyền sản xuất, rồi tổ trưởng nhưng chị từ chối vị trí tổ trưởng. Chị Lan bày tỏ: “Tôi nghĩ mình chưa đủ khả năng nhận chức vụ ấy. Tôi là người thợ và muốn chuyên tâm làm người thợ giỏi để góp phần đóng góp cho công ty”. Từ một người không có chuyên môn, nhờ tinh thần tự học hỏi từ thực tế công việc và động viên bản thân phấn đấu, chị Lan đã có thể đào tạo lại cho những công nhân mới vào nghề. “Ngày trước khi tôi không biết nghề, các anh chị đã tận tình chỉ dạy, nay mình truyền lại cho người đi sau cũng là cách để trả ơn”, chị Lan tâm sự. Khi được giao việc, chị luôn hoàn thành, bên cạnh đó chị suy nghĩ nhiều cách để giúp công ty giảm được phế phẩm và thất thoát nhằm tiết giảm chi phí.
Với niềm đam mê nghề điện tử, anh công nhân Đinh Văn Công, hiện là Phó trưởng bộ phận smartphone, Công ty TNHH Greystone (KCX Linh Trung 2) luôn tìm tòi học hỏi để có thể sửa được những lỗi khó trong sản phẩm của khách hàng. “Học ở trường chỉ là lý thuyết, thực tế dòng smartphone các vi mạch rất nhỏ nên đòi hỏi người thợ phải có tính kiên nhẫn và tỉ mỉ”, anh Công chia sẻ. Để có thể sửa lỗi khó và những dòng sản phẩm mới, anh tìm tài liệu trên mạng và lên các diễn đàn kỹ thuật để tham khảo. Với anh thợ gốc Quy Nhơn - Bình Định này, không việc gì khó nếu ta không ngừng học hỏi.
Phấn đấu vì mái nhà chung
Động lực để người thợ trẻ Nguyễn Đoàn Vi, nhân viên cơ điện Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, hết lòng vì công việc chính là lòng yêu nghề và mong muốn cống hiến cho công ty. “Mong ước lớn nhất của tôi là sự chung sức của mọi người trong đó có bản thân tôi sẽ giúp công ty ngày càng phát triển. Có như vậy mới thu hút được khách hàng, thu hút được nhân tài đến làm việc. Tôi cũng được hãnh diện về nơi mình chọn lựa”, anh Đoàn Vi nói. Anh thường được đồng nghiệp gọi vui là người của công việc, bởi với anh hoàn thành công việc là nhiệm vụ hàng đầu. Khi thiết bị có sự cố, bất kể giờ giấc anh đều cặm cụi, mày mò sửa chữa. Khi công ty nhập thiết bị mới, anh bỏ thời gian tìm tòi, quan sát nguyên lý vận hành. Khâu nào chưa rõ, anh tìm tài liệu đọc và hỏi thêm đồng nghiệp. Chính lòng đam mê, tinh thần học hỏi và sự va chạm từ thực tế công việc đã giúp anh đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp làm lợi nhiều tỷ đồng cho công ty. Không chỉ thế, với tinh thần và trách nhiệm, anh còn truyền dạy nghề lại cho hơn 30 công nhân, giúp họ trở thành những công nhân có tay nghề giỏi.
Cũng với tinh thần cống hiến, anh Đinh Văn Công cho biết: “Tôi xác định nghề mình chọn mang lại chén cơm cho mình. Nếu không cố gắng hoàn thành, công ty sẽ mất khách hàng, mình và anh em mất nơi làm việc tốt”. Vì vậy anh luôn tìm tòi học hỏi để tìm ra những phương pháp sửa chữa thành công những lỗi khó trong sản phẩm iPhone, iPad. Rồi với kinh nghiệm và kiến thức của một người thợ, anh tham gia những khóa huấn luyện công nhân mới để giúp các em thêm vững tay nghề, giúp công ty có được đội ngũ công nhân thạo việc và đầy lửa đam mê.
| |
HỒNG HẢI