
Không ai giống ai về hoàn cảnh xuất thân, về công việc nhưng lại giống đến kỳ lạ về niềm đam mê công việc. Trò chuyện với 2 kỹ sư Phan Văn Của (Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương) và Trần Thành Phương (Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Huê), tôi không khỏi bất ngờ trước thành tích của những kỹ sư “chân đất” bình dân đến mộc mạc này.
Trần Thành Phương - Chuyên gia công nghệ làm giấy

Anh Trần Thành Phương (bìa phải) chỉ đạo công nhân vận hành máy xeo giấy.
Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Hóa học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM), kỹ sư Trần Thành Phương bước chân vào Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Huê, quận Thủ Đức, làm… công nhân xử lý bột giấy! Sau 2 năm luân chuyển qua nhiều phòng ban, phân xưởng khác nhau, anh về phòng kỹ thuật. Đến nay, sau 27 năm công tác, anh đã vững vàng ở vị trí phó giám đốc kỹ thuật của công ty. Ngần ấy thời gian công tác, anh đã ghi dấu ấn đậm nét bằng rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật hiệu quả.
Chuyện bắt đầu từ những ngày làm việc trong phân xưởng, anh kỹ sư trẻ đau đầu trước nạn thiếu nước sản xuất. Đã nhiều lần xưởng phải đóng máy, ngưng sản xuất khi bước vào mùa nắng nóng. Nghiên cứu nhiều lần, anh đề ra phương án xây hồ trữ nước, lắng lọc với phụ gia do chính anh và nhóm kỹ sư nhà máy tìm ra.
Nhờ đó, công ty đã tận dụng, thu hồi triệt để nước thải xeo giấy vệ sinh, khăn giấy cao cấp để sử dụng lại cho quy trình sản xuất giấy đế xốp chất lượng thấp mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Nhờ cải tiến này, anh đã tiết kiệm cho công ty bình quân 800m3 nước/ngày.
Trong số những sáng kiến anh tâm đắc nhất phải kể đến chiếc máy phân loại tạp chất trong giấy vụn. Hàng ngày vào xưởng, nhìn thấy các nữ công nhân cặm cụi lựa giấy vụn có lẫn tạp chất để lấy ra nguyên liệu quá vất vả mà năng suất không cao: 8 giờ lựa tối đa 50 kg giấy vụn, anh mơ đến một chiếc máy đảm nhận thay sức người làm công việc nhọc nhằn này. Anh suy nghĩ tìm tòi, kiếm sách về đọc, phác thảo nhiều lần các mô hình chiếc máy.
Sau 4 tháng nghiên cứu, chiếc máy xay thủy lực xử lý tạp chất ra đời. Nguyên lý hoạt động của máy rất đơn giản: nguyên liệu đem về bỏ vào xay, tạp chất lớn bị giữ lại dưới vĩ sàn, bột giấy vụn thoát ra ngoài. Sau khi ra ngoài, bột giấy còn thấm nước sẽ được cho qua một hệ thống lưới nghiêng để thoát nước hết. Khi đó, bột giấy sẽ được lắng lại. Thời điểm năm 1992, khi anh và nhóm cộng sự làm được chiếc máy với công suất 200 kg bột quy khô/giờ và giảm đến 80% số nhân công này, đã tạo nên tiếng vang lớn trong ngành. Tính ra, anh đã tiết kiệm cả trăm triệu đồng nhập máy chuyên dùng từ nước ngoài cho công ty.
“Thừa thắng xông lên”, trong gần 10 năm sau đó, anh lại có hàng loạt cải tiến làm lợi cho công ty, như: chế tạo thiết bị màng chất dẻo, tráng lên nguyên liệu giấy vụn, năng cao năng suất bột tinh chế để sản xuất giấy vệ sinh, khăn giấy, lợi nhuận đạt khoảng 120 triệu đồng/năm. Hay như việc cải tiến công nghệ sản xuất khăn y tế phục vụ bệnh nhân ở các bệnh viện, thay thế hàng ngoại nhập với lợi nhuận thu về hàng năm trên 400 triệu đồng…
Trong khi đó, việc chế tạo hệ thống in nhũ bạc thay thế công đoạn dán bạc thủ công trong quá trình gia công chế biến giấy xốp xuất khẩu qua các nước Đông Nam Á, đã thu về khoảng 210 triệu đồng/năm. Đặc biệt, hệ thống này đã đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TPHCM năm 2003. Điều lớn nhất gặt hái được từ những nghiên cứu này, theo anh, là đã đa dạng hóa sản phẩm, giúp công ty cạnh tranh được với các đại gia nước ngoài.
Phan Văn Của - Trưởng thành từ quá trình tự học

Anh Phan Văn Của (bìa phải) hướng dẫn công nhân kỹ thuật hiệu chỉnh máy đóng gói bột gia vị.
Con đường đến với nghề của kỹ sư Phan Văn Của lại rất nhọc nhằn. Tháng 6-1979, ở tuổi 18, anh xin vào Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, quận 12, làm… công nhân trực máy phát điện. Làm được một thời gian, anh “gạ” mấy người bạn chung xưởng đi học bổ túc văn hóa ở Trường PTTH Lý Thường Kiệt. Kiên trì theo học, đến năm 1982, anh thi vào Khoa Tại chức ngành Điện tự động (sau này là Điện Công nghiệp) Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Người khác hoàn thành khóa học trong 5 năm thì anh mất đến 6 năm vì “Tôi vừa học, vừa làm công nhân và phải chăm sóc 2 đứa con nhỏ”.
Học xong, anh về phòng kỹ thuật của công ty, từ đó, công việc của anh đã đi vào chuyên môn và bắt đầu phát huy những giá trị anh học được tại nhà trường. Trong bảng thành tích của anh và các cộng sự qua gần 30 năm làm việc tại công ty, có rất nhiều công trình đáng giá, đem lại lợi ích cho công ty. Như xây dựng hệ thống điện cho công ty ở chi nhánh phía Bắc, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt lò hơi 10 tấn/giờ, chế tạo các máy đóng gói bột canh 200g, bột canh 10g, gói cháo…
Dù vậy, anh vẫn cho rằng sáng kiến quan trọng nhất của mình là đề tài luận án tốt nghiệp (năm 1992). Đó là hệ thống điều khiển tự động cosþ bằng kỹ thuật số, thay thế hệ thống bù cosþ của công ty hoàn toàn được điều khiển bằng tay- vừa tốn thời gian và không chính xác. Bắt đầu áp dụng hệ thống cosþ của anh, công ty luôn đạt tỷ lệ từ 0.88 trở lên theo quy định của ngành điện- điều mà cho đến thời điểm đó, Công ty Thiên Hương chưa làm được.
Từ năm 2003 đến nay, anh đã nghiên cứu hoàn chỉnh thêm công trình- nhờ đó, đến nay công ty chỉ sử dụng trung bình 120.000 kW điện/tháng và tiết kiệm tổng cộng 856.800 kW điện… Hay như trong quá trình tham gia lắp ráp hệ thống dây chuyền sản xuất mì ăn liền của Nhật Bản công suất 150.000 gói/giờ vào năm 2000, anh đã tiết kiệm cho công ty gần 500 triệu đồng chi phí trả công chuyên gia người Nhật.
Hệ thống vận hành và hoạt động tốt mà chỉ tiêu tốn công chuyên gia và vật tư không quá 90 triệu đồng. Những lần sau đó, hệ thống gặp trục trặc, anh cũng cải tiến các thiết bị bằng nguyên liệu trong nước thay vì phải nhập nguyên bộ từ nước ngoài với giá rất cao.
Đã từng được mời đi nhiều nước, từng tham dự nhiều công trình nghiên cứu của các công ty trong ngành, anh hiểu hơn ai hết giá trị của quá trình tự học. Đến nay, anh vẫn theo đuổi việc học nâng cao cùng hai người con của mình (con gái lớn của anh đang học chương trình sau đại học Trường ĐH Kinh tế TPHCM, con trai đang là sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM). Anh còn bảo: “Đối với ngành tự động học, đừng bao giờ làm hời hợt nếu muốn có kết quả tốt nhất”.
Ông Ngô Minh Hùng, Bí thư Đảng bộ Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, nhìn nhận: “Là một đảng viên, đồng chí Phan Văn Của là một cán bộ rất đặc biệt, với ý chí ham học, ham làm việc đến độ say mê. Những cải tiến của đồng chí đã đem lại nhiều hiệu quả cho hoạt động sản xuất của đơn vị và nhiều lúc không thống kê bằng tiền được. Đi làm sớm, về nhà trễ và có mặt bất cứ lúc nào khi máy móc xảy ra sự cố, đồng chí là tấm gương về ý thức lao động và niềm đam mê công việc của công nhân lao động trong công ty chúng tôi”.
Hồng Hiệp