Những nữ kiểm lâm dũng cảm

Các nữ kiểm lâm nhóm Black Mamba đang kêu gọi mọi người giúp giải quyết nạn săn trộm động vật hoang dã ở Nam Phi, thông qua một sự kiện trực tiếp 24/7 từ Công viên Quốc gia Great Kruger. 
Một chuyến tuần tra của các nữ kiểm lâm ở Công viên Quốc gia Great Kruger
Một chuyến tuần tra của các nữ kiểm lâm ở Công viên Quốc gia Great Kruger

Đây là một phần của chương trình thử nghiệm kéo dài 2 tháng; qua đó người xem có thể giúp bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng bằng cách quan sát chúng từ xa trong môi trường sống tự nhiên. Trong khi quan sát các loài động vật như sư tử, hươu cao cổ và voi, khán giả có thể báo cáo trực tiếp mọi hoạt động đáng ngờ về trụ sở của nhóm.

Leitah Mkhabela, một trong những kiểm lâm viên của nhóm Black Mamba, cho biết: “Họ có rất nhiều cách để săn trộm nên chúng tôi cần nhiều người giúp phát hiện những dấu hiệu khả nghi”. Đơn vị chống săn trộm Black Mamba có trụ sở tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Balule (Nam Phi), được thành lập vào năm 2013 để bảo tồn các loài động thực vật hoang dã. Black Mamba sử dụng các phương pháp bất bạo động để ngăn chặn nạn săn trộm trong khu vực và giáo dục cộng đồng về bảo tồn. Leitah Mkhabela giải thích, cô tham gia vì thích ở bên cạnh những loài vật hoang dã và cũng là cơ hội để học hỏi kiến thức tự nhiên.

Với sự trợ giúp từ các hãng công nghệ, 2 camera cố định và camera chuyển vùng được gắn vào một chiếc xe hơi có thể di chuyển quanh công viên để giúp các kiểm lâm viên đuổi kịp những kẻ săn trộm. Giám đốc điều hành Black Mamba Craig Spencer nói: Đây là cuộc “chạy đua vũ trang” về công nghệ chống săn trộm. Điện thoại thông minh thay thế các máy tính xách tay được sử dụng để liên lạc nhanh chóng và hiệu quả giữa các kiểm lâm viên. Thông tin từ các cuộc tuần tra trong khu bảo tồn có thể dễ dàng lưu trữ bằng công nghệ đám mây. 

Ngoài ra, hệ thống camera và cảm biến được thiết kế có thể quan sát mọi ngóc ngách nhằm thu thập dữ liệu về những người lọt vào khoảng cách nghi vấn và gửi cảnh báo đến lực lượng kiểm lâm khi phát hiện những hành vi xâm nhập trái phép. Thông tin dữ liệu từ các camera an ninh và cảm biến nhiệt đều được thu thập và gửi về phòng điều khiển trung tâm 24/24 giờ.

Theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, loài tê giác trắng hiện đang bị đe dọa, trong khi tê giác đen được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao khi chỉ còn lại hơn 5.000 con. Nam Phi, nơi sinh sống của phần lớn tê giác trên thế giới đang bị đe dọa liên tục bởi những kẻ săn trộm, với mục đích lấy sừng tê giác bán cho thị trường chợ đen, giá cao hơn vàng. Sừng tê giác được nhiều người phương Đông săn lùng vì niềm tin mù quáng, không có cơ sở vào khả năng chữa bệnh ung thư và chữa cả chứng say rượu, mặc dù thành phần chủ yếu của sừng tê giác là keratin (một loại protein có trong tóc và móng tay). Công nghệ này đã được áp dụng ở khu vực Zambia và cũng sẽ được triển khai ở Kenya. Đồng thời, các nhà bảo tồn thiên nhiên thuộc dự án hiện đang tìm kiếm thêm một vài địa điểm với một số bên quan tâm từ Ấn Độ, New Zealand và nhiều khu vực khác.

Điều bất ngờ hơn cả là tấm gương cống hiến không ngừng của những nữ kiểm lâm dũng cảm, đã giúp người dân ý thức hơn về bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Hiện Black Mamba điều hành một chương trình giáo dục tiếp cận 1.300 trẻ em tiểu học trong khu vực. Giờ đây, các kiểm lâm viên có thể chia sẻ những gì họ đã trực tiếp đối diện trong quá trình phòng chống săn trộm với các sinh viên, giúp việc giáo dục môi trường ấn tượng hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục