Học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần VI báo SGGP

Những sinh viên giàu nghị lực

HỒNG LIÊN – LÊ LINH
Những sinh viên giàu nghị lực

Ngày 24-3, với sự đóng góp của nhiều mạnh thường quân, Báo Sài Gòn Giải Phóng kết hợp với ĐH Y Dược TPHCM, Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng cán bộ y tế tổ chức trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần VI. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng 30 sinh viên nhận học bổng đợt này đều là những thanh niên có ý chí, nghị lực mạnh mẽ, quyết tâm học giỏi để vươn lên và cống hiến. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu 3 gương mặt điển hình.

Lưu Mỹ Phụng: Cô bé phơi cải và những niềm hy vọng

Những sinh viên giàu nghị lực ảnh 1
Mọi người thường gọi Lưu Mỹ Phụng (sinh viên năm 2 Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ y tế) là cô bé phơi cải. Phía sau nụ cười thật xinh với 2 đồng tiền điếu trên khóe môi của Phụng là những ưu tư: Ba mẹ đều đã lớn tuổi, hằng ngày phải vất vả leo lên leo xuống nóc nhà phơi cải. 25 ký cải tươi sau khi trải qua công đoạn nấu chín, phơi khô trọng lượng chỉ còn … 1 ký.

Vậy mà tiền công mỗi ký chỉ là 10.000 đồng, mùa mưa phải phơi ra, cất vào cả chục lần trong ngày. Nhưng công việc này đang có nguy cơ không còn vì chợ Bình Tây sắp chuyển ra ngoại thành.

San sẻ gánh nặng trên vai cha mẹ, cô bé phơi cải trở thành cô giáo cho những đứa trẻ hàng xóm. Một tuần dạy 3 buổi, riêng ngày chủ nhật Phụng dạy liên tục từ 1 giờ trưa đến 8 giờ tối. Ba của Phụng ngậm ngùi: “Việc học, việc dạy kèm, việc nhà đã choán hết thời gian nên cháu rất ít được đi chơi ở đâu. Con nhà nghèo thiệt thòi vậy đó!”.

Cuộc sống hiện tại vẫn còn nhiều lo toan, thế nhưng Phụng luôn lạc quan yêu đời: “Tôi có nhiều hy vọng lắm! Hy vọng em gái út của tôi năm nay đậu đại học. Hy vọng sau khi ra trường, tôi có việc làm ổn định để đỡ đần cho cha mẹ. Hy vọng trở thành một bác sĩ giỏi”.

Để những ước mơ “không vỡ tan như bọt sóng”, cô bé bán cải quyết tâm học tập chăm chỉ ngay từ những ngày ngồi trên ghế giảng đường. Phụng bộc bạch: “Sau những lời giảng của thầy cô và những đợt thực tập ở bệnh viện, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm hơn. Làm bác sĩ dốt là hại người. Nhiều sai lầm có thể khắc phục nhưng sai lầm trong y học là không thể tha thứ”.

 

Lê Thanh Bình: Học y vì yêu trẻ thơ

Những sinh viên giàu nghị lực ảnh 2

Đối với Lê Thanh Bình, SV năm thứ 4 khoa Y Trường ĐH Y Dược TPHCM, học nghề thầy thuốc vì thương con nít, thích nghe tiếng khóc trẻ thơ chào đời. Ước mơ trở thành một bác sĩ sản khoa giỏi là động lực để cho Bình không ngừng cố gắng. Sinh ra và lớn lên từ miền quê An Giang, cả gia đình phải ở nhờ nhà ngoại, ba mẹ phải vay mượn tiền nuôi Bình ăn học.

Sách học phải mượn của bạn bè, nhưng Bình luôn là học sinh xuất sắc của Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (tỉnh An Giang) và luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Năm lớp 12, Bình đoạt giải 3 học sinh giỏi môn sinh học toàn quốc, được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược TPHCM. Vào đại học, cuộc sống càng khó khăn hơn.

Ngoài giờ học Bình tự bươn chải để trang trải cuộc sống, đi làm thêm để trả tiền nhà, tiền học. Thế nhưng, 4 năm qua Bình không chỉ giữ vững kết quả tốt trong học tập, mà còn có thâm niên trên từng mặt trận với Đội công tác xã hội và Mùa hè xanh của Trường ĐH Y Dược TPHCM. Với Bình, học không chỉ từ trong lý thuyết giảng đường đại học, thực tế thực tập ở bệnh viện mà còn học thật sự từ các hoạt động xã hội.

Bình cho biết: “Các đợt phát thuốc, tư vấn cho người bệnh vùng khó khăn giúp mình học hỏi rất nhiều. Làm bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà cần phải hiểu được tâm lý người bệnh, làm cho người bệnh tin cậy và giao tính mạng cho mình thì chữa bệnh mới thực sự hiệu quả”. Bình mơ ước sau khi tốt nghiệp được học lên chuyên khoa sản và trở về làm việc tại quê nhà.

Nguyễn Trần Anh Thư: Thành công nhờ phương pháp học hiệu quả

Những sinh viên giàu nghị lực ảnh 3

Không là HS xuất sắc ở cấp 3, không thức đêm thức khuya để luyện thi mà vẫn đậu vào Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ y tế với số điểm khá cao, Nguyễn Trần Anh Thư tự cho mình là người may mắn, nhưng thực ra ai cũng hiểu đó là nhờ phương pháp học tập hiệu quả.

Xem nội dung bài trước khi vào lớp, không học thuộc lòng mà nắm ý chính, tập trung nghe giảng, phương pháp nghe có vẻ đơn giản nhưng chỉ có người kiên trì mới thực hiện thành công. Thư cười: “Tôi nhỏ con ốm yếu như vậy đâu có sức chong đèn suốt đêm”.

Với Anh Thư, con đường dẫn đến học bác sĩ đa khoa tổng quát hướng về cộng đồng khởi đầu chỉ để giúp những người thân những khi trái gió trở trời. Thế rồi trong quá trình học, Anh Thư ngày càng nhận rõ trách nhiệm của người bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Tính tình khiêm tốn, thận trọng, Anh Thư nói kiến thức mênh mông nên “có chỗ nào bí thì tôi phải giở sách ra xem rồi mới dám trả lời”.

Trong những đợt thực tập, khoác chiếc áo blouse trắng vào người, Thư vừa thấy tự hào, vừa thấy một trách nhiệm lớn lao. Trước đây, Thư rất băn khoăn chưa biết chọn chuyên ngành nào để nghiên cứu sâu hơn, nhưng một lần đi thực tập ở bệnh viện, tình cờ gặp người bạn cũ đang nằm điều trị căn bệnh bạch cầu quái ác khiến bạn từ một người mạnh khỏe trở nên tiều tụy, tinh thần suy sụp thì Thư quyết tâm đeo đuổi ngành huyết học, tìm hiểu bệnh bạch cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu … “Không dễ đâu chị à, nếu không yêu ngành mình học dễ bỏ cuộc nửa chừng lắm!”, Thư cho biết. 

HỒNG LIÊN – LÊ LINH
 

Tin cùng chuyên mục