LTS: Đã tự bao đời, hình ảnh người mẹ luôn là những gì đẹp đẽ, bao dung, cao cả, gần gũi thân thương nhất đối với mỗi chúng ta. “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…” (Lòng mẹ - Y Vân). Nhân Ngày của Mẹ (10-5), xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của tác giả Đoàn Đạt Trí về những kỷ niệm với mẹ, với bà, với quê hương xóm làng – nơi đã sinh ra và nuôi chúng ta khôn lớn – như một lời tri ân gửi đến các mẹ, các chị.
Bữa nay chủ nhật nên tự cho phép mình ngủ dậy muộn hơn một chút, rồi uể oải bước xuống giường. Cũng gần tám giờ rồi, thành phố vẫn vậy rầm rập người và xe cộ hối hả. Bụi bặm, nhếch nhác…
Bất chợt tôi thèm đến lịm người cái cảm giác tươi non của những tia nắng đầu mùa dìu dịu e dè hắt qua cửa sổ, nơi có giàn trầu của nội trồng. Lá xanh mướt mát, um tùm. Tay trầu bện vào nhau bám lên thành tường vôi vấn vít. Ngày đó ngoài việc hái trầu cho nội, tôi còn phải hái trầu cho cả ông Thuẫn và thím Nhinh nữa. Hễ ai đến nhà chơi là y như rằng nội niềm nở mời trầu. Và khi khách sắp về nội lại dúi vào tay mấy lá bảo đem về nhà mà têm, trầu của nhà đấy. Cái màu non xanh mỡ cùng dư vị hăng hắc đến giờ tôi vẫn nhớ, vẫn cay cay nơi đầu con mắt.
Tôi nhớ những ngày tháng tư mẹ dậy rất sớm, từ lúc tờ mờ sáng, lúi húi ở dưới bếp bao nhiêu là việc. Hồi đó nhà mình còn chật, làm việc gì mẹ cũng cố gắng thật nhẹ nhàng để cho anh em chúng tôi ngủ. Rồi đến khi những tia nắng buổi sớm vẫn còn lác đác trên vài cánh hoa màu tím nhạt là mẹ đi thả đàn gà và gọi anh em chúng tôi dậy. Tôi dụi mắt mở to nhìn những tia nắng sớm mùa hè, cảm giác trong trẻo và ấm áp lạ lùng, giờ nghĩ lại vẫn thấy lâng lâng.
Hai anh em mỗi đứa bưng một bát cơm nếp đậu thơm bùi ăn xong rồi đi học. Giờ lại thấy mình vô tâm quá đỗi bởi chẳng bao giờ hỏi xem mẹ đã dậy từ bao giờ mà vừa nấu cơm vừa hái một gánh rau muống đầy. Mà có hỏi chắc gì đã kịp, vì tôi còn chưa buông đũa thì mẹ đã tất tả ra chợ rồi. Niềm ao ước lớn nhất của tôi là được theo mẹ đi chợ những buổi sớm mùa hè.
Đó là chợ Đình chứ không phải chợ quê tôi đâu, với cơ man nào là người và hàng hóa. Thôi thì đủ cả, từ hàng chiếu, hàng gà cho đến thúng mủng long nia… Nơi tôi thích nhất là hàng bánh giầy. Bánh giầy quê tôi dẻo và mềm, trắng nõn như da con gái mà lần nào đi chợ mẹ cũng mua cho tôi một cặp bánh. Tôi cũng hay nán lại chỗ người ta bán tranh. Tôi nghĩ rằng không bao giờ mình có đủ tiền để mua những bức tranh to đẹp vẽ con cá chép vàng có cái râu thiệt là dài. Mẹ bảo bán lứa lợn này sẽ mua, mà mua hai bức luôn. Cái niềm ao ước về đôi cá chép tuổi thơ đến giờ đôi khi vẫn quẫy đạp trong mênh mông mặt ao ký ức tưởng như phẳng lặng của mình.
Những buổi sớm mùa hè nghỉ học cùng bọn thằng Hòa con cậu Tâm đi chăn bò đã để lại vô vàn kỷ niệm đẹp đẽ trong tôi, đó là những nét khắc sâu đậm nhất trong bức phù điêu của năm tháng tuổi thơ ngọt ngào. Thường thì bọn tôi lùa bò ra ngoài đó rồi mặc kệ chúng. Mà kỳ thực chúng cũng chả chạy đâu xa, triền đê xanh mướt cỏ gà là thế giới mơ ước của chúng rồi. Ngay dưới chân đê là những nương dâu xanh ngút ngàn dài tưởng chừng mãi mãi không bao giờ lũ trẻ làng có thể đi hết.
Sông quê buổi sớm sao mà đẹp lạ lùng. Êm đềm và phẳng lặng tựa một tấm gương soi khổng lồ. Trong tấm gương ấy là rực trời hoa gạo một màu đỏ nhức nhối mời gọi bọn sáo từ bốn phương trời bay về. Hoa gạo nom vậy thôi chứ ăn cũng ngòn ngọt bùi bùi kèm vị chan chát. Bọn chim ăn thừa thả xuống là bọn trẻ chăn bò chúng tôi tranh nhau nhặt ăn rồi chạy về phía bờ sông vẩy nước tung tóe. Mặt gương khổng lồ vỡ vụn theo những tràng cười trong trẻo.
Gần hai mươi năm trời với biết bao nhiêu những buổi sớm mùa hè cùng vô vàn lo toan trăn trở của gánh nặng nhân sinh không làm tôi quên buổi sớm mùa hè ở quê. Giờ nội đã mây trắng trời xanh, giàn trầu cũng không còn. Mẹ đã già và lũ trẻ con ngày ấy theo nhiều cách khác nhau cũng lần lượt ra đi. Chỉ còn lại bên nương dâu xanh mút mát dù hai mươi năm trời vẫn nguyên vẹn những buổi sớm mùa hè trong trẻo trong tấm gương ký ức tháng năm nào.
Đoàn Đại Trí