Ngày 24-4, Báo SGGP phối hợp cùng Hội Nhà văn TPHCM, Hội Nhà báo TPHCM tổ chức lễ trao giải cuộc thi phóng sự ảnh báo chí “Thành tựu 40 năm thống nhất đất nước” và cuộc thi ký sự báo chí “40 năm - Những ký ức không thể nào quên”.
Đến tham gia lễ trao giải có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo SGGP; Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP; Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP…
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà và Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong chúc mừng các tác giả đoạt giải cuộc thi ký sự. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lát cắt cuộc sống
Là một trong những tác giả cao tuổi nhất gửi bài tham gia cuộc thi ký sự báo chí chủ đề “40 năm - Những ký ức không thể nào quên”, tác giả Trần Thanh Giao (TPHCM) chọn một trong những công trình lớn của TPHCM 40 năm sau giải phóng để thể hiện. Với tác phẩm Chui qua đáy sông Sài Gòn, ông viết: “Cho tới hôm nay, vùng đất này hoàn toàn đổi khác với cái hầm, chiếc cầu Thủ Thiêm và nhiều cầu vượt sông sắp tới. Thủ Thiêm sẽ biến thành một khu đô thị hiện đại, một trung tâm tài chính, thương mại quốc tế và một công viên lộng lẫy có bến du thuyền quốc tế trên sông, cùng các kiến trúc biểu cảm, đặc trưng của bản sắc văn hóa “sông nước Nam bộ”. Tôi đã đến ngắm khu “nhà chọc trời” La Défense bên kia sông Seine, Paris... và nay mơ về sự đổi thay của vùng đất Thủ Thiêm, khi lướt gió chui trở lại hầm dưới đáy sông Sài Gòn với bao nhiêu là ước mong, trăn trở”. Ông Trần Thanh Giao cho biết, ban tổ chức đã chọn tiêu đề cuộc thi rất trúng với bối cảnh hiện nay. Số lượng lớn tác phẩm gửi về đã nói lên sự lan tỏa của cuộc thi trong cộng đồng.
Tác giả Nguyễn Trung Nguyên (Cần Thơ) đã viết kể về cuộc đời của chính mình qua tác phẩm Hành trình trở lại - một số phận không được thừa nhận, chìm đắm trong nghiện ngập rồi vượt qua nghịch cảnh, tìm lại bản thân, được xã hội thừa nhận và trở thành một công dân hữu ích. Chính bối cảnh đất nước đã nâng đỡ, chắp cánh cho những phận đời như thế. Anh chia sẻ: “Tôi viết để tri ân gia đình, cha mẹ và cả những người đã nâng đỡ tôi trên con đường trở về”.
Trong số hơn 500 tác phẩm gửi về tham gia hai cuộc thi, rõ nét nhất là các tác phẩm phản ánh những công trình mới làm thay đổi bộ mặt đất nước, như nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam (tác phẩm Nét son lọc hóa dầu Việt Nam), hệ thống tải điện xuyên Việt (Đường dây 500kV - Kỳ tích thể kỷ 20), đường hầm xuyên đèo Hải Vân (Kỳ tích hầm Hải Vân)… Đó còn là các tác phẩm phản ánh những người dấn thân vì cộng đồng, những chiến sĩ thời bình trong “trận chiến” không tiếng súng. Đó là hình ảnh hai vợ chồng một lãnh đạo cấp tỉnh về hưu sau khi đã làm nhiệm vụ ở chiến trường thời kỳ chống Mỹ, xây dựng chính quyền địa phương sau khi hòa bình, không chấp nhận sống an nhàn nơi đô thị mà trở về dưới tán rừng xưa “chạy chọt” kinh phí xây dựng đường sá (Dưới tán rừng xanh...). Là mẫu hình một ông bí thư kiểu mới ở một huyện nghèo không chịu ngồi ở văn phòng mà bôn ba ra nước ngoài, lội ruộng cùng nông dân tìm ra cách thức làm ăn mới phù hợp (Ông Bí thư giúp dân làm giàu)…
Tất cả những lát cắt cuộc sống đã được phản ánh sinh động qua ngòi bút, tấm ảnh đầy tâm huyết, trăn trở cùng tiến trình phát triển của đất nước.
Quang cảnh buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đi vào lòng công chúng
Đó là khẳng định của nhà báo Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM tại lễ trao giải. Ông Mã Diệu Cương nói: “Chủ đề của hai cuộc thi đã đi vào lòng công chúng vì đã phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, gần gũi với người dân”. Với nhà văn Lê Quang Trang, cả hai cuộc thi đều mang ý nghĩa thật đặc biệt, đúng dịp cả nước kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, diễn ra trong một khoảng thời gian không dài và có sự giao thoa về nhiều thể loại báo chí. Ông nhấn mạnh: “Hai cuộc thi đã đạt được nhiều mục đích. Đó là sự hưởng ứng của các nhà văn, nhà báo, người cầm bút khắp mọi miền đất nước. Hơn tất cả, từng câu chữ, hình ảnh trong các bài dự thi phản ánh sự vươn lên của đất nước và TPHCM sau 40 năm. Những điển hình trong các bài viết, tấm ảnh không chỉ là câu chuyện thật, tấm gương thật mà còn thể hiện lẽ sống vì cộng đồng, vì đất nước và TP thân yêu”.
Nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, đồng Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, nhận xét: “Hai cuộc thi đều có mẫu số chung là ghi nhận những thành tựu, những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng đất nước sau 40 năm thống nhất. Các tác phẩm dự thi đã phản ánh sâu sắc thực tế sinh động đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập, xóa đói giảm nghèo, vượt qua nghịch cảnh vươn lên sánh vai cùng thời đại... Đây cũng là đề tài ấp ủ của nhiều cây bút, tay máy chuyên, không chuyên nên ngay sau khi phát động, ban tổ chức đã nhận nhiều tác phẩm dự thi và đến khi kết thúc, đã có trên 500 tác phẩm của các tác giả từ mọi miền đất nước gửi về tham dự”. Theo ban tổ chức, các đề tài phản ánh rất phong phú, đa dạng, tập trung các chủ đề: Thành tựu xây dựng đất nước sau chiến tranh; sự lột xác của những vùng đất, địa phương sau 40 năm thống nhất đất nước; những điển hình vượt khó, chấp nhận thử thách, không cam chịu đói nghèo, tạo ra những biến đổi sâu sắc để cả cộng đồng cùng hưởng lợi; hình tượng người lính gian nan và kiêu hãnh trong công cuộc giữ nước; những tấm lòng của con người hôm nay đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự do, giải phóng đất nước...
Trao giải thưởng cuộc thi phóng sự ảnh.
Phong phú về đề tài, đa dạng về góc nhìn, điểm đặc biệt của hai cuộc thi là càng về cuối, càng nhiều tác giả gửi bài dự thi, Báo SGGP phải đăng “lố” các tác phẩm dự thi sau khi đã hết thời hạn. Đặc biệt, hai tác giả Dương Trọng Dật và Trần Thế Tuyển (nguyên là Tổng Biên tập Báo SGGP) khi gửi tác phẩm đến Ban tổ chức đã cho biết, tham gia cuộc thi để hưởng ứng, không để lấy giải. Góp ý về cuộc thi, nhiều bạn đọc và các tác giả đề nghị ban tổ chức tổng hợp các tác phẩm đã đăng báo, xuất bản thành tập sách, để tạo sự lan tỏa rộng hơn các tác phẩm dự thi mà tác giả đã kỳ công thể hiện...
“Bằng ngòi bút với trái tim và tình cảm của mình, các tác giả dự thi đã làm toát lên thành tựu xây dựng và bảo vệ đất nước sau chiến tranh, sự lột xác của những vùng đất, địa phương, nhất là ở TP mang tên Bác sau 40 năm giải phóng”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, qua các tác phẩm dự thi, đã khắc họa được những điển hình vượt khó, chấp nhận thử thách, không cam chịu số phận và đói nghèo. “Đó là những tấm lòng của thế hệ hôm nay tri ân, biết ơn đối với những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự do, giải phóng đất nước”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đúc kết.
Các bạn trẻ tham quan triển lãm phóng sự ảnh báo chí “Thành tựu 40 năm thống nhất đất nước”. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
|
LÊ NGỌC