Những tấm lòng hào hiệp

Trong một tuần nhưng chúng ta được nghe nhiều câu chuyện xúc động về những tấm lòng hào hiệp. Thật ấm áp khi trong cuộc sống có nhiều con người biết sống nhiệt thành với cuộc đời, hết lòng vì mọi người.
Những tấm lòng hào hiệp

Trong một tuần nhưng chúng ta được nghe nhiều câu chuyện xúc động về những tấm lòng hào hiệp. Thật ấm áp khi trong cuộc sống có nhiều con người biết sống nhiệt thành với cuộc đời, hết lòng vì mọi người.

Ký túc xá miễn phí Cỏ May đã được xây dựng xong và kịp đưa vào hoạt động đầu năm học này

Tấm lòng cao cả của người mẹ

Thiếu úy công an Đậu Thị Huyền Trâm từ chối xạ trị ung thư để giữ bào thai cho con mình được sống, và rồi sau khi giải phẫu đón con chào đời, người mẹ ấy đã qua đời ngày 27-7-2016 trong niềm xúc động và trân trọng của cả nước. Câu chuyện rất cảm động về tình mẹ khiến nhiều người, kể cả những người chưa từng gặp chị, đều bùi ngùi thương quý chị đến rơi nước mắt. Chúng ta khâm phục chị ở nghị lực kiên cường vượt qua nỗi đau thể xác, sẵn lòng đối mặt cái chết để giành lấy sự sống cho con. Một bác sĩ đã chăm sóc chị kể lại: “Lúc bấy giờ, tôi đã cảm thấy ái ngại vì sự sống của bệnh nhân rất mong manh. Vì thai nhi chưa tròn 29 tuần, nên tôi cũng nói trước với chị là sẽ rất khó khăn. Khi đó, chị chỉ nói: Mong bác sĩ cứ cố gắng hết sức, được đến đâu thì được, lấy ra được bé con, em sẽ tự chiến đấu với căn bệnh”. Rồi trước khi mất, chị đã được gặp và bên con mình hơn tiếng đồng hồ, ứa nước mắt giơ hai ngón tay hình chữ V với con như niềm vui chiến thắng. Câu chuyện này không chỉ gói gọn trong cụm từ “tình mẫu tử”, hơn thế, đó là cuộc chiến sinh tử, một người quên thân mình, chấp nhận ra đi cho mầm sống nhỏ nhoi kia lớn dần, tồn tại.

Cũng trong tuần qua, có một câu chuyện cảm động về một người mẹ ở Quốc Oai, Hà Nội, đau đớn mất con trai (bị té lầu, chết não), nhưng đã làm được một điều vô cùng hào hiệp: hiến tạng con để cứu được 4 người bệnh nặng đang cần ghép tạng. Người mẹ ấy đã ngồi suốt nửa ngày ràn rụa nước mắt và rồi dũng cảm thông báo với bác sĩ quyết định đồng ý hiến tạng con trai: “Tôi đau đớn lắm khi mất con, nhưng con chết mà cứu được nhiều người thì tôi sẽ làm điều đó. Nếu người nào có được tim của cháu thì tốt quá, cháu nó khỏe lắm, không bệnh tật gì!”.

Chăm chút nâng niu lớp trẻ

Thêm một câu chuyện rất đẹp khác, trong tuần qua báo chí đưa tin ký túc xá miễn phí Cỏ May đã được xây dựng xong và kịp đưa vào hoạt động đầu năm học này, khiến dư luận cảm kích một tấm lòng hào hiệp. Ông Phạm Văn Bên, chủ Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, mới qua đời ngày 7-4-2016 tại tỉnh Đồng Tháp. Trong khi nhiều người mải mê lo làm giàu, thậm chí bất chấp đạo lý và luật pháp để làm giàu phi nghĩa, mãi say sưa với siêu xe, nhà khủng, lại có “anh hai Nam bộ” sẵn lòng bỏ ra 40 tỷ đồng để xây ký túc xá phục vụ miễn phí cho sinh viên nghèo hiếu học. 40 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ, nhưng với tính cách hào hiệp, ông Bên đã tâm nguyện đây là việc nên làm vì cuộc đời. Ký túc xá Cỏ May không chỉ là nơi trú trọ nắng mưa miễn phí cho sinh viên nghèo hiếu học, mà còn là nơi tiếp sức để các bạn trẻ đi đến tương lai. Mỗi năm, doanh nghiệp Cỏ May sẽ chi 15 tỷ đồng để chăm lo nơi ăn học cho sinh viên ở ký túc xá này, mà sẽ lo luôn phần chi phí điện nước. Khai giảng năm học này, 400 sinh viên nghèo, học giỏi sẽ được vào sống ở một ký túc xá hiện đại, khang trang, nhờ tấm lòng hào hiệp của ông Bên. Tận tụy lo cho đời như vậy, mà đám tang ông Bên không kèn trống ồn ào. Đã có rất nhiều người đến chân thành tiễn biệt ông, trong số đó có nhiều người chưa hề quen biết ông nhưng họ ngưỡng mộ một con người biết sống vì người khác.

Chiều 30-7, trên taxi đến bệnh viện phụ sản, dọc đường một sản phụ đã chuyển dạ, tài xế taxi đã tấp xe vào ngay trụ sở Báo SGGP (399 Hồng Bàng, quận 5, TPHCM) bỏ chị xuống rồi lên xe chạy mất, dù Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược chỉ cách đó vài trăm mét. Một bảo vệ Công ty Trường Thành chứng kiến sự việc kể: “Cuối giờ chiều thứ bảy, cơ quan vắng người, lúc ấy có hai nhân viên của Vietcombank đến bảo trì máy ATM đặt cạnh đó, đang chuẩn bị lên xe ra về. Thấy chị sản phụ la hét trong cơn đau đẻ, cả hai nhân viên ngân hàng và anh bảo vệ xắn tay vào cuộc trợ giúp bất đắc dĩ. May mà mẹ tròn con vuông”.

Cùng với câu chuyện về một người mẹ hy sinh để chăm chút ươm mầm sống cho đứa con thơ còn trong bụng mẹ, câu chuyện về người mẹ mất con nhưng biết nghĩ đến những người bệnh đang cần cứu mạng, câu chuyện về một con người tận tình chăm lo cho các sinh viên nghèo hiếu học, lại có thêm câu chuyện về ba người đàn ông hào hiệp đã tận tình giúp cho một sinh linh chào đời… Đó là những câu chuyện rất đẹp, thắm đậm tình người, rất đáng được trân trọng, tôn vinh.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục